Bước đi của FPT Retail
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết, một doanh nghiệp bán lẻ khi chiếm thị phần một ngành hàng đến một mức nào đó sẽ không còn dư địa tăng trưởng và bắt buộc phải chuyển sang ngành nghề mới. Tốc độ tăng trưởng mảng điện thoại hiện đã chững lại bởi thị trường đã đạt đến một độ lớn nhất định và việc mảng này sẽ bão hòa là chuyện trong nay mai.
“FPT Retail đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm thêm nhiều mảng khác để phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng. Trước khi bắt đầu bất kỳ một bước đi mới nào, chúng tôi đều tính toán để làm sao đảm bảo hướng đi phải thực sự đủ lớn thì mới thực hiện, bởi FPT Retail không chọn phương án làm tạm, làm đại, bù qua bù lại cái gì đấy”, bà Điệp nói.
Khi được hỏi về kế hoạch của FPT Retail với mảng bán hàng xuyên biên giới, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết: Hiện có rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng ở nước ngoài nhưng không tìm được kênh, hoặc nếu có thì giá quá đắt, hay trở ngại trong việc thanh toán khi chỉ 10% người Việt sở hữu thẻ tín dụng. Chưa kể, khi đặt hàng ở nước ngoài, khách hàng phải chờ hàng chuyển về trong khoảng thời gian khá lâu, chi phí vận chuyển không rẻ, thủ tục lấy hàng phức tạp. Từ thực tế trên, FPT Retail đã quyết định đứng ra làm dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, giảm thiểu rủi ro mất hàng. Bên cạnh đó, khách hàng chưa có thẻ tín dụng vẫn có thể thông qua FPT Retail để đặt hàng.
Về đầu vào, FPT Retail hiện đang liên kết với các đơn vị ở nước ngoài để làm việc với nhà cung cấp và có kho hàng ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam.
Cơ hội rộng mở
Tháng 6 này, Công ty cổ phần Dịch vụ hậu cần kho vận BoxMe Việt Nam sẽ cho ra mắt nền tảng công nghệ hỗ trợ những người kinh doanh online ở Đông Nam Á mang tên Netsale. Netsale sẽ có mặt tại 4 thị trường: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thông tin này được BoxMe Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Mở rộng kinh doanh online khu vực Đông Nam Á và toàn cầu” tổ chức cách đây không lâu.
Netsale được giới thiệu là nền tảng giúp người dùng sử dụng mô hình bán lẻ không lưu giữ sản phẩm trong kho, mà mua sản phẩm từ người bán buôn hoặc nhà sản xuất và vận chuyển trực tiếp cho khách hàng. Netsale giúp người bán hàng không phải chịu rủi ro hàng tồn kho và có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn hàng từ nhà sản xuất, đồng thời tiết kiệm chi phí quảng bá, tiếp thị, các khâu kho hàng, vận chuyển, giao nhận thanh toán sẽ do Netsale và các đối tác đảm nhận.
Trước đó, Tập đoàn bán lẻ Amazon (Mỹ) đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ các nhà bán lẻ với chương trình bán hàng trên Amazon Global Selling. Hai bên sẽ tổ chức những lớp hướng dẫn nâng cao, hỗ trợ trực tuyến doanh nghiệp trong 6 tháng để có thể đưa hàng lên kệ của Amazon.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể tiếp cận được 300 triệu tài khoản người mua hàng trên toàn thế giới của Amazon. Giám đốc Amazon Global Selling, ông Bernard Tay đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á có thể xuất khẩu hàng hóa qua Amazon. Những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng may mặc, giày da có thể bán rất tốt trên Amazon.
Theo đó, Amazon Global Selling có những hỗ trợ của nền tảng thương mại điện tử cho các nhà bán hàng bằng cơ sở hạ tầng logistics hàng đầu cùng những giải pháp xuất khẩu toàn diện, giúp mở rộng kinh doanh quốc tế trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn thông qua 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực. Với chương trình này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng cơ hội bán hàng xuyên biên giới thông qua Amazon
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đang hoạt động sôi nổi và cạnh tranh mạnh mẽ cùng những tên tuổi lớn trong và ngoài nước. Alibaba đã vào thị trường Việt Nam thâu tóm Lazada và liên tục rót vốn để phát triển. Hiện Lazada có khoảng hơn 155.000 nhà bán hàng, 3.000 thương hiệu, là một trong ba trang thương mại điện tử được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.
Đằng sau sự phát triển nóng của Shopee tại Việt Nam là Tencent - gã khổng lồ công nghệ. Shopee đã nhanh chóng vươn lên là một trong số ít trang thương mại điện tử hàng đầu tại thị trường 90 triệu dân. Tencent, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc hiện là cổ đông lớn nhất của SEA Ltd, đơn vị sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee với 39,7% cổ phần.
Các trang thương mại điện tử trong nước như Adayroi của Tập đoàn Vingroup, Sendo của Tập đoàn FPT, Tiki… cũng tiếp tục được rót vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Kinh doanh online đang còn tiềm năng lớn. Theo ước tính, tổng doanh thu cho ngành thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á sẽ lên tới hơn 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong đó, các thị trường như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan có xu hướng tăng trưởng nhanh.
Rào cản về ngôn ngữ, kỹ thuật và đảm bảo chất lượng sản phẩm là những vấn đề các nhà bán lẻ Việt phải đối mặt
Công ty nghiên cứu Euromonitor Intenational đưa ra dự báo, đến năm 2020, giá trị của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 58.200 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 33%/năm, Euromonitor dự kiến giá trị thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mốc 106.000 tỷ đồng trong năm 2022, tương ứng khoảng 4,6 tỷ USD.
Còn theo đánh giá của Google, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 8 tỷ USD và được dự báo lên tới 15 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Indonesia). Thị trường thương mại điện tử vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% trong 5 - 7 năm tới.
Rào cản doanh nghiệp cần vượt qua
Thực tế, các nhà bán lẻ Việt Nam rất năng động, đã nhìn ra kênh bán hàng xuyên biên giới từ lâu. Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon từng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, các nhà bán hàng xuyên biên giới của Việt Nam thuộc Top cao trên thế giới về sự năng động và khả năng bán hàng toàn cầu. Lực lượng tham gia bán hàng xuyên biên giới của Việt Nam trong vài năm qua tăng 200 - 300% về số lượng. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn cần nhiều sự hỗ trợ, đào tạo nhằm nâng cao năng lực bán hàng quốc tế để tạo bứt phá doanh thu. Rào cản về ngôn ngữ, kỹ thuật và đảm bảo chất lượng sản phẩm là những vấn đề các nhà bán lẻ Việt phải đối mặt.
Với FPT Retail, theo chia sẻ của bà Điệp, trước làn sóng bùng nổ thương mại điện tử, FPT Retail sẽ đa dạng hóa ngành hàng, đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sao cho phù hợp nhất với phương thức bán hàng online.
Cụ thể, các sản phẩm có chất lượng tương đương và có cùng chính sách bảo hành, khi được bán trên website sẽ có mức giá rẻ hơn so với khi bán tại cửa hàng. FPT Retail tận dụng được thế mạnh của cổ đông lớn là Tập đoàn FPT cùng sự hỗ trợ đáng kể về công nghệ, điển hình là công nghệ chatbot tích hợp vào các forum và website. Hiện tại, chatbot của FPT Shop có thể trả lời được 75% câu hỏi của người dùng, nhiều người dùng còn không nhận ra được đó là chatbot, vì câu trả lời của chatbot rất nhanh và chính xác.
Khi được hỏi về kỳ vọng của FPT Retail với bán lẻ xuyên biên giới, bà Điệp chỉ cho biết: “Mảng bán hàng xuyên biên giới hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chúng tôi chưa thể nói thêm gì. Khi nào dự án đủ lớn chúng tôi sẽ công bố”.
“Cửa” bán hàng xuyên biên giới rất rộng lớn, nhưng để khai thác thành công cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới còn cần phải quan tâm đến dịch vụ sau bán hàng và xây dựng thương hiệu cũng như nâng cao trình độ ngoại ngữ để tận dụng tối đa lợi thế.
Nói như ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa cơ hội từ xúc tiến thương mại trực tuyến, doanh nghiệp sẽ không phải chia sẻ lợi nhuận trung gian đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường (như chi phí đầu tư tham gia hội chợ, tham dự triển lãm…).