Bán bảo hiểm hay quên... quy tắc!

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thời gian qua, Báo Đầu tư Chứng khoán liên tục nhận được phản ánh của độc giả về việc mua bảo hiểm nhưng không được nhân viên kinh doanh cung cấp thông tin đầy đủ.

Bán bảo hiểm hay quên... quy tắc!

Anh Nguyễn Văn Minh (Tôn Đức Thắng, TP.HCM) kể, anh mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng đến khi ký xong hợp đồng mới được cung cấp bộ quy tắc, điều khoản loại trừ bảo hiểm.

Còn chị Nguyễn Thu Quỳnh (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, đã mua bảo hiểm mua bảo hiểm xe ô tô Mercedes với mức phí bảo hiểm đóng cho bên bán hơn 20 triệu đồng nhưng không được nhân viên kinh doanh bảo hiểm chủ động cung cấp quy tắc.

“Chỉ đến khi tôi hỏi thì bên bảo hiểm mới gửi bộ quy tắc qua mạng xã hội. Tại thời điểm ký hợp đồng cũng phớt lờ tài liệu này khi đây chứa đựng nhiều thông tin quan trọng. Trong hợp đồng cũng không nêu rõ trong trường hợp nào thì bị từ chối bồi thường”, chị Quỳnh nói.

Mới đây, bản thân người viết khi mua bảo hiểm thân vỏ ô tô của một doanh nghiệp lớn cũng không được cung cấp bộ quy tắc bản cứng, cho dù trước đó đã liên tục nhắc nhân viên kinh doanh mang theo bộ tài liệu này khi mang hợp đồng bảo hiểm qua ký. Nhân viên này hẹn sẽ gửi lại cho người viết sau. Ngoài ra, trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên cũng không chứa đựng các điểm loại trừ bảo hiểm.

Thực tế, tình trạng trên không phải là mới, thậm chí còn phổ biến trên thị trường suốt nhiều năm qua. Báo Đầu tư Chứng khoán từng nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu khắc phục.

Đặt câu hỏi với nhiều nhân viên kinh doanh bảo hiểm, câu trả lời người viết nhận được đều cho thấy sự né tránh, đổ lỗi cho hoàn cảnh như là “do áp lực doanh số lớn nên chỉ tập trung vào bán hàng mà chưa thể tư vấn kỹ”, “sợ mang đầy đủ tài liệu đính kèm hợp đồng sẽ khiến bên mua thấy rắc rối, dẫn đến tâm lý e ngại quyền lợi không được đảm bảo mà nản lòng, không mua nữa...”, thậm chí có người còn thẳng thừng nói: “trên webiste công ty đã đăng đầy đủ, anh/chị vào tìm hiểu thêm”, “quy tắc dày mấy chục trang nếu in ra đọc trực tiếp sẽ mất nhiều thời gian, nên e gửi qua zalo, facebook để anh/chị từ từ tìm hiểu!??”.

Về lý thuyết, khách hàng phải có trách nhiệm tìm hiểu khi muốn mua bảo hiểm. Tuy nhiên, bảo hiểm là lĩnh vực phức tạp, không phải khách hàng nào cũng có đủ kiến thức để nắm bắt rõ. Do đó, việc được cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin, được tư vấn kỹ là rất quan trọng để rủi ro tranh chấp sau này nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, để bảo vệ khách hàng (trong trường hợp khách hàng không biết để hỏi), Luật Kinh doanh bảo hiểm bắt buộc bên bán bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ngay cả khi không được yêu cầu, nhưng hầu hết bên bán đều không làm tròn vai, đến khi tranh chấp xảy ra thì đổ lỗi cho khách hàng.

“Theo Điều 405 - Luật Dân sự 2015 về hợp đồng mẫu và Điều 19 - Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên soạn thảo hợp đồng - ở đây là doanh nghiệp bảo hiểm với đại diện là đại lý bán bảo hiểm - phải có trách nhiệm công khai, giải thích rõ ràng các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng”, ông Xuân nói.

Còn theo luật sư Ngô Thu Hà (Đoàn luật sư TP.HCM), khách hàng cần được bên bán bảo hiểm tư vấn đúng theo bản quy tắc mà họ cầm trên tay, nên trong bộ yêu cầu giấy chứng nhận bảo hiểm phải kèm theo quy tắc bảo hiểm để khách hàng đọc, hỏi tư vấn viên các thông tin liên quan, đến khi nắm rõ và đồng ý với các điều khoản của bộ hợp đồng này thì mới ký.

“Nếu tư vấn viên chỉ tư vấn qua loa, không dựa trên bản quy tắc, không đưa khách hàng bản quy tắc đính kèm hợp đồng... là chưa tuân thủ quy định về cung cấp thông tin bảo hiểm theo Điều 19 - Luật Kinh doanh bảo hiểm. Hệ lụy là rất dễ xảy ra tranh chấp sau này”, bà Hà nói và cho biết thêm, ngay cả khi bên bán bảo hiểm lập luận rằng các bộ quy tắc, điều khoản sản phẩm đều được công khai trên website công ty, khách hàng phải có trách nhiệm tiềm hiểu, thì vẫn chưa đủ.

“Lý do bởi website là do công ty bảo hiểm quản lý, muốn sửa lúc nào cũng được nên phải cung cấp bộ quy tắc bằng bản cứng để tăng mức độ tin cậy. Thậm chí, bộ quy tắc, điều khoản bằng bản cứng này vẫn chưa thực sự có giá trị pháp lý, bởi mọi tài liệu theo hợp đồng bảo hiểm khi in ra phải có đầy đủ chữ ký 2 bên để đảm bảo đây chính là bộ điều khoản khách hàng được đại lý tư vấn cung cấp, khách hàng chỉ đồng ý và có nghĩa vụ tuân theo những nội dung đã ký”, bà Hà phân tích.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục