Bảo hiểm nhân thọ tìm đường với kênh bán hàng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài 2 kênh chủ lực là bancassurance và đại lý, các công ty bảo hiểm nhân thọ còn mở rộng kênh bán hàng mới bằng cách bắt tay với các chuỗi bán lẻ, siêu thị, công ty bất động sản…, nhưng kết quả chưa đạt kỳ vọng.
Doanh thu phí mới từ kênh bancassurance và đại lý hiện chiếm tới 90% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường Doanh thu phí mới từ kênh bancassurance và đại lý hiện chiếm tới 90% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường

Với mong muốn đem đến cho khách hàng cơ hội được tư vấn sản phẩm bảo vệ sức khỏe và tài chính ngay tại siêu thị gần nhất, Bảo Việt Nhân thọ và hệ thống siêu thị Viettel Store đã chính thức hợp tác triển khai bán bảo hiểm nhân thọ trên tất cả các kênh bán hàng.

Theo đó, ngay trong tháng 9 này, Viettel Store sẽ triển khai phân phối sản phẩm của Bảo Việt Nhân thọ thí điểm tại 19 điểm giao dịch trên 8 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương.

Hợp tác, liên kết với một chuỗi bán hàng như cửa hàng tiện ích hay siêu thị… để bán bảo hiểm không phải là mô hình mới trên thế giới. Tại Nhật Bản, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã hợp tác với Công ty Bảo hiểm MS&AD Insurance Group Holdings để bán bảo hiểm nhân thọ (trước tiên là bảo hiểm ung thư), với kỳ vọng thu hút thêm 60.000 hợp đồng mỗi năm, chủ yếu là cho những người lớn tuổi.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu thị trường cũng như nhận thức của người dân về bảo hiểm đang thay đổi nhanh chóng, việc phải tìm kiếm các phương thức giao dịch tiện lợi, hiện đại hơn là điều tất yếu.

Hiện tại, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh đại lý và bancassurance chiếm khoảng 90% tổng doanh thu phí mới toàn thị trường. Vài năm trở lại đây, một số hãng bảo hiểm đã triển khai bán bảo hiểm qua hệ thống giao dịch của các công ty bất động sản, trung tâm thể dục hay qua kênh mua sắm truyền hình…, nhưng cơ bản là chưa thành công. Khó khăn được chỉ ra không phải là vì không có sản phẩm phù hợp, mà cơ bản là chưa có sự gắn kết khăng khít giữa đôi bên.

Theo chia sẻ của đại diện một công ty bảo hiểm đã từng thử nghiệm hợp tác với một số đối tác ngoài ngân hàng hay đại lý, cái khó là nhân viên các hệ thống này không mấy mặn mà trong việc giới thiệu sản phẩm bảo hiểm vì còn phải lo bán hàng của mình. Thậm chí có những đối tác còn e ngại việc bán bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Cũng có câu hỏi đặt ra, liệu các công ty bảo hiểm có thể hợp tác với các chuỗi bán lẻ có thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam để bán bảo hiểm?

Báo Đầu tư Chứng khoán đã tìm hiểu và câu trả lời chung từ một số công ty bảo hiểm nhân thọ là khó khả thi, bởi những chuỗi siêu thị này ở Việt Nam chỉ có quy mô nhỏ nên ít gây ảnh hưởng đến khách hàng. Mô hình này phù hợp hơn với bảo hiểm phi nhân thọ vì có thể triển khai bán các sản phẩm cơ bản như bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm sức khỏe đơn giản…

“Thay vì mở rộng kênh bán hàng mới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ và tập trung đầu tư cho mảng bán bảo hiểm online, cho dù doanh thu hiện tại còn khiêm tốn”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Với Bảo Việt Nhân thọ, hiện vẫn đang phát triển mạnh về kênh đại lý, dẫn đầu thị trường về doanh thu tính riêng kênh này nhưng đồng thời cũng triển khai các kênh bán hàng mới để tiếp cận nhiều khách hàng đa dạng hơn nữa.

“Việc bắt tay với Viettel Store sẽ góp phần mở ra hướng mới trong hợp tác với các đối tác, tổ chức sở hữu hệ thống bán lẻ và nguồn khách hàng tiềm năng của Công ty. Hai bên kỳ vọng địa bàn triển khai bán hàng sẽ nhanh chóng được mở rộng hơn trong thời gian tới”, vị đại diện Bảo Việt Nhân thọ nói.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục