Mới xong khâu “phân loại ve chai”
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực VAMC cho hay, đến nay, VAMC đã mua hơn 45.000 tỷ đồng nợ gốc của 35 các tổ chức tín dụng, với giá trị trái phiếu đặc biệt thanh toán là 37.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ xấu đã thu hồi mới đạt 450 tỷ đồng. Thành tích lớn nhất sau khi mua nợ của VAMC thời gian qua là đã thực hiện xong công tác “phân loại ve chai”.
Cụ thể, theo ông Hùng, VAMC đã phân loại được 983 khách hàng với tổng số nợ gốc hơn 37.680 tỷ đồng. Trong đó, VAMC đã phân ra 480 khách hàng với số tiền 14.000 tỷ đồng để xem xét bán tài sản; 145 khách hàng với số tiền 14.700 tỷ đồng xem xét để cơ cấu nợ; 343 khách hàng thuộc diện phát mại tài sản, thu hồi nợ với số nợ là 6.800 tỷ đồng.
Dự kiến, trong quý II/2014, VAMC mua thêm 15.000 tỷ đồng nợ xấu. Áp lực mua nợ của VAMC còn rất lớn, vì theo kế hoạch, số nợ xấu mà VAMC mua trong năm 2014 khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn rất lớn.
Vì vậy, nếu không nhanh chóng đưa ra những giải pháp hữu hiệu để xử lý nợ, số nợ “mua về để đấy” của VAMC có nguy cơ quay trở lại ngân hàng. Từ ngày 1/6 tới đây, việc áp dụng chính thức Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro càng khiến nợ xấu toàn hệ thống tăng lên.
Cơ chế làm chậm quá trình xử lý nợ xấu
Theo ông Hùng, song song với quá trình mua nợ, VAMC dự kiến sẽ tiến hành bán nợ ra thị trường ngay trong quý II này. “Chúng tôi cũng sẽ bán nợ thí điểm lần thứ nhất với 4 loại khách hàng, tổng số nợ 1.400 tỷ đồng”, ông Hùng cho hay.
Được biết, VAMC sẽ công khai danh mục các khoản nợ và tài sản đảm bảo để chào bán ra thị trường. Có khả năng, khách hàng đầu tiên của VAMC sẽ là các nhà đầu tư trong nước, khi cơ chế bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện và thị trường mua bán nợ chưa hình thành.
Hiện vướng mắc lớn nhất của VAMC trong bán nợ là chưa có hành lang pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi để bán nợ xấu. Lãnh đạo VAMC cho rằng, quy định về giá trị khoản nợ xấu mà VAMC được phép xử lý hiện nay không hợp lý. Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, VAMC chỉ được bán khoản nợ có tài sản giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Ông Hùng cho rằng, quy định trên là không phù hợp vì giá trị nợ xấu mà VAMC cần xử lý rất lớn. “Phải trao quyền để VAMC xử lý nợ nhanh nhất. Đặc biệt, trong điều kiện VAMC đang xúc tiến bán nợ cho các tổ chức quốc tế như hiện nay lại càng cần thiết. Nếu không tạo điều kiện cho VAMC bán nợ, bán tài sản đảm bảo sẽ làm chậm quá trình xử lý nợ xấu”, ông Hùng nói.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa từng cho rằng, nên giao cho VAMC quyền năng cực lớn trong vấn đề bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Nếu cơ chế xử lý quá phức tạp, sẽ khiến Việt Nam làm chậm quá trình xử lý nợ, làm mất cơ hội và tăng chi phí xử lý nợ xấu.
Rất kỳ vọng bán nợ thành công, song ông Hùng cũng cho hay, VAMC không chỉ chú trọng mua bán nợ, mà quan trọng hơn là giúp các doanh nghiệp hồi phục, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, ngoài bán nợ, VAMC sẽ tiếp tục tái cơ cấu nợ và xem xét bảo lãnh cho các doanh nghiệp vướng nợ xấu để họ có cơ hội phục hồi.