Mua 43.000 tỷ đồng, xử lý được 300 tỷ đồng
Theo VAMC, trong quý I/2014, Công ty đã mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu, với giá 3.048 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra ban đầu là 10.000 tỷ đồng.
Tổng cộng, sau 6 tháng kể từ khi mua món nợ đầu tiên, VAMC đã mua gần 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành đạt 35.448 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ đã được xử lý rất thấp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, tính đến nay, VAMC và các ngân hàng mới thu hồi được trên 300 tỷ đồng trong tổng số nợ xấu đã mua.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, những khoản nợ không bán được sẽ quay về với ngân hàng trong 5 năm nữa. Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng khi bán nợ cho VAMC đều không mong muốn nhận lại khoản nợ đã bán.
Hiện tại, hệ thống ngân hàng đang rất hy vọng vào hiệu quả xử lý nợ của VAMC. Thế nhưng, việc VAMC gặp khó khăn trong bán nợ cũng khiến ngân hàng nản lòng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo nhiều ngân hàng tỏ ra rất lo lắng cho số phận những khoản nợ đã bán. “Chúng tôi đã làm việc với VAMC về việc xử lý các khoản nợ mà ngân hàng đã bán. Đúng là bán nợ đang bế tắc, chủ yếu do khó khăn về thủ tục bán tài sản đảm bảo và cơ chế thi hành án. Nếu tình hình này kéo dài, tôi sợ 5 năm nữa, vẫn chưa thể xử lý xong nợ xấu”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Sự chậm trễ trong việc bán nợ của VAMC đang gây ra nhiều quan ngại. Ông
Dominic Miller, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, VAMC mua một số lượng lớn nợ xấu, nhưng là “mua về để đấy” và chỉ là hoán đổi nợ xấu sang trái phiếu đặc biệt, chứ chưa thực sự xử lý được nợ xấu. Chuyên gia này khuyến cáo, tốt nhất, VAMC nên tập trung thu hồi tối đa nợ xấu đã mua, thay vì tập trung mua nợ.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tuần này tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cũng khuyến cáo, Việt Nam cần nghiên cứu cơ chế để VAMC xử lý được các khoản nợ mua lại từ các ngân hàng thương mại.
Lỗi không phải của VAMC?
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc VAMC chậm bán nợ ra thị trường là do khó xác định được giá bán nợ, vì VAMC đã mua các khoản nợ với giá khá cao (70 - 75% giá trị khoản nợ), trong khi còn nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo.
Được biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn mua nợ của Việt Nam, song ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, việc bán nợ không dễ, bởi hai bên khó tìm được tiếng nói thống nhất về giá cả. “Bán thì dễ, bán được giá mới khó. VAMC không bán tháo nợ xấu bằng mọi giá”, ông Hùng khẳng định.
Về thủ tục bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, tại buổi tọa đàm về vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo và thi hành án dân sự do VNBA phối hợp với Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng tổ chức đầu tháng này, đại diện nhiều ngân hàng cũng “tố” thủ tục xử lý tài sản đảm bảo còn quá nhiêu khê.
Đại diện của Sacombank cho biết, dù khách hàng đã mất khả năng trả nợ, ngân hàng được quyền bán tài sản đảm bảo, nhưng khâu thi hành án quá nhiêu khê, khiến ngân hàng bị “chôn” hàng trăm tỷ đồng.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện các văn bản liên quan đến mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong khi VAMC và Ngân hàng Nhà nước tỏ ra sốt ruột với nợ xấu, thì dường như các bộ, ngành quá cẩn trọng, khiến lộ trình xử lý nợ chậm hơn kỳ vọng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, việc xử lý nợ xấu cần sự vào cuộc với quyết tâm cao của nhiều bộ, ngành, chứ không chỉ của Ngân hàng Nhà nước. “Một khi các bộ, ngành vẫn chưa coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm của mình, thì sẽ rất khó có những giải pháp đột phá trong xử lý nợ xấu”, ông Đức nói.