Quyết định này nếu được thông qua có lẽ sẽ "khá sốc" bởi số nợ dự kiến VAMC sẽ mua lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Nhưng mặt tích cực là thị trường sẽ tạo cơ sở cho việc thành lập các trung gian tài chính làm dịch vụ mua bán nợ. Thị trường có thể "sòng phẳng" hơn.
Theo Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), đơn vị được giao soạn thảo dự thảo Thông tư, mục đích của văn bản là nhằm tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng đặc thù trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC. Đồng thời tạo điều kiện cho VAMC bán tài sản nhanh chóng, thuận tiện và giá tốt nhất có thể.
Với mục tiêu đó, dự thảo quy định tài sản bảo đảm là các khoản nợ xấu đã được VAMC mua sẽ được xử lý theo thỏa thuận các bên. Nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá.
Khi bán đấu giá, VAMC sẽ được tự bán đối với các tài sản có trị giá dưới 10 tỷ đồng hoặc là trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, VAMC phải thành lập Hội đồng để thực hiện bán đấu giá, thành phần hội đồng bao gồm các thành viên đại diện các bộ phận liên quan của Công ty nhưng không nhất thiết phải có đấu giá viên điều hành.
Với tài sản trên 10 tỷ đồng, VAMC phải bán đấu giá qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Dự thảo quy định VAMC phải thông báo công khai về việc mời tổ chức đấu giá ít nhất liên tiếp 2 lần trên báo địa phương nơi có tài sản, Báo Đấu thầu, đăng Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước và website của VAMC.
Ngoài ra, để tháo gỡ phức tạp trong thực hiện hợp đồng mua bán cũng như bàn giao tài sản, Dự thảo quy định chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá phải chuyển toàn bộ hồ sơ cho VAMC để VAMC ký hợp đồng mua bán tài sản với người trúng đấu giá.
Một vấn đề khác là tiền đặt trước, thực tiễn có nhiều trường hợp người trúng đấu giá nhưng không thực hiện đúng cam kết sau khi ký hợp đồng mua, nhất là tiến độ thanh toán. Hiện nay quy định về tiền đặt trước chỉ có một số trường hợp được phép thu hồi nhưng không có trường hợp như chậm thanh toán. Do đó, để tạo điều kiện xử lý tài sản bảo đảm, Dự thảo quy định sau khi ký hợp đồng mua bán tài sản, tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc và việc xử lý tiền đặt cọc sẽ theo quy định hiện hành. Như vậy, trường hợp bị thu hồi tiền đặt cọc mở rộng hơn.
Tuy nhiên, một số nội dung của Dự thảo vẫn còn cần xem xét, thảo luận, lấy ý kiến thêm. Đó là việc quy định VAMC được tự bán tài sản dưới 10 tỷ đồng, trên 10 tỷ đồng phải đấu giá qua đơn vị đấu giá chuyên nghiệp. Hiện Thông tư 19/2013/TT-NHNN VAMC chỉ mua khoản nợ xấu không thấp hơn 1 tỷ đồng của một khách hàng vay là cá nhân, không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khác hàng là tổ chức.
Theo VAMC thì đa số tài sản đã mua đều có giá trị tương đối lớn, tài sản dưới 10 tỷ đồng chiếm tỷ lệ không đáng kể. Dù vậy, pháp luật hiện hành chưa có quy định về tài sản bán đấu giá.
Một vấn đề khác là lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tránh tiêu cực. Hiện vẫn chưa có tiêu chí, quy định cụ thể về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá.
Đáng chú ý, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam cho biết hiện Ngân hàng này đang có danh mục khoảng 900 tài sản để bán cho VAMC.
Được biết, tính đến ngày 31/12/2013, VAMC ước tính mua được khoảng 36.288 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua là 31.487 tỷ đồng.