Công ty cổ phần FLC chi 4.015 tỷ đồng đầu tư phát triển Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Aiways với tỷ lệ sở hữu 21,7%. Tính đến ngày 30/9/2022, báo cáo tài chính hợp nhất của FLC cho thấy khoản đầu tư này ghi nhận lỗ 1.269 tỷ đồng.
Bamboo Airways từng là dự án nhiều tâm huyết của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, nhưng tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài. Nhà đầu tư mới của Bamboo Airways là ai và vì sao công ty thua lỗ vẫn thu hút nhà đầu tư. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với Ông Nguyễn Mạnh Quân, CEO Bamboo Airways về vấn đề này.
Theo thông tin mới nhất Bamboo Airways có nhà đầu tư mới thay thế cổ đông Trịnh Văn Quyết và FLC, Bamboo Airways có thể tiết lộ nhà đầu tư mới này đến từ đâu và kế hoạch tái cấu trúc Bamboo Airways thế nào?
Sau khi nhà đầu tư lâu năm của Bamboo Airways gặp biến cố cá nhân, Bamboo Airways đã đứng trước một giai đoạn vô cùng khó khăn. Trước những thách thức đặt ra, Bamboo Airways đã tìm kiếm giải pháp nhà đầu tư trong và ngoài nước để hỗ trợ về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu. Bên cạnh đó, hãng đã được Công ty cổ phần Him Lam cấp tín dụng cho vay 8.000 tỷ đồng.
Về quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, được sự đồng ý của Chính phủ và các cơ quan chức năng, quá trình chuyển đổi từ nhà đầu tư cũ sang nhóm các nhà đầu tư mới đã và đang diễn ra. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi nhà đầu tư, tái cấu trúc nguồn vốn, các khoản công nợ…, qua đó sẽ tạo nguồn lực cho Bamboo Airways không những phát triển trong ngắn hạn, mà còn trong kế hoạch dài hạn.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường, thực hiện các bước theo luật định, tiến hành các bước tái cấu trúc về tài chính, cấu trúc lại về sở hữu nhà đầu tư mới. Chúng tôi sẽ dần công bố chính thức các kế hoạch này trong thời gian sớm.
Suốt một thời gian dài hãng kinh doanh thua lỗ, năm 2023, với yếu tố mới, Bamboo Airways đặt kế hoạch kinh doanh thế nào và phương án để hiện thực hoá mục tiêu đó?
Trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục kế hoạch củng cố thị trường nội địa. Hiện nay, Bamboo Airways đạt thị phần khoảng 17% ở thị trường nội địa và trong năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện mục tiêu chiếm lĩnh 20-22%. Mới đây, chúng tôi đã công bố kế hoạch kết nối sân bay cuối cùng của Việt Nam là Cà Mau thông qua đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau, hoàn thành mục tiêu phủ kín đường bay nội địa đến tất cả các sân bay nội địa.
Cùng đó, Bamboo Airways tiếp tục quá trình đầu tư, mở rộng, kết nối các đường bay quốc tế kết nối không những các đường bay quốc tế đến Hà Nội, TP.HCM mà còn kết nối đến khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các điểm đến du lịch tiềm năng ở Việt Nam. Đây cũng là định hướng của chúng tôi, đó là kết nối trực tiếp thị trường quốc tế đến các vùng đất du lịch tiềm năng của Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng nữa, cũng là vấn đề riêng của Bamboo Airways, đó là không chỉ là phục hồi thị trường, chúng tôi còn tiếp tục thực hiện quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn 1 từ 2022 và đến 2023 sẽ tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi nhà đầu tư. Thông qua việc tái cấu trúc và chuyển đổi nhà đầu tư, mục tiêu của chúng tôi là tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển cho những bước đi dài hạn về sau.
Vì sao mặc dù thua lỗ nhưng Bamboo Airways vẫn hấp dẫn nhà đầu tư?
Nếu Bamboo Airways không phát triển, không làm mới được mình, không kiên định thì rất khó để hấp dẫn được nhà đầu tư nào. Chúng tôi đã miệt mài cấu trúc lại để tối ưu về mặt chi phí, đẩy tốc độ ra quyết định nhanh, thông qua đó tìm mọi giải pháp tăng năng suất lao động. Đó là con đường đi của Bamboo Airways trong suốt giai đoạn vừa qua.
Vào những thời khắc khó khăn nhất, ban lãnh đạo cũng như tất cả cán bộ công nhân viên Bamboo Airways đã đồng lòng và đoàn kết nỗ lực cùng nhau tiến về phía trước. Doanh nghiệp mà không còn thì không chỉ là 2.700 con người đang làm việc tại đây bị ảnh hưởng, mà 2.700 gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi siết chặt đoàn kết để không những giữ được mà còn làm lành mạnh hơn "cơ thể" của Bamboo Airways, để tạo ra sự hấp dẫn của nhà đầu tư.