Trong quá trình này, ASEAN đã có bước tiến ấn tượng về cải thiện kinh tế và xã hội, trở thành công xưởng sản xuất của thế giới và duy trì môi trường chính trị ổn định. Hiện tại, đây là khu vực dẫn đầu đà tăng trưởng của kinh tế thế giới.
10 quốc gia thành viên ASEAN hiện tại là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trong đó có Philippines và Việt Nam, với GDP tăng trưởng hơn 6% mỗi năm.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, với tổng dân số hơn 620 triệu người, nền kinh tế trị giá 2,6 nghìn tỷ USD và tiềm năng đầu tư khổng lồ, tới năm 2020, khu vực này được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu.
Triển vọng kinh tế
GDP khu vực ASEAN đã tăng lên mức 2,6 nghìn tỷ USD năm 2016, tương đương với GDP Vương quốc Anh, từ mức khiêm tốn gần 37,6 tỷ USD năm 1970.
Theo BMI Research, tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực sẽ ở mức 4,9% trong năm 2018, với các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất là Myanmar, Việt Nam và Philippines.
Thương mại
Một điểm nhấn quan trọng là khu vực Đông Nam Á đã trỗi dậy, trở thành nhà xưởng sản xuất lớn thay thế cho Trung Quốc, với sức hấp dẫn đến từ chi phí lao động thấp, nhu cầu nội địa lớn và sự cải thiện cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn thuộc ASEAN, như Singapore đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, khiến các quốc gia này trở nên nhạy cảm hơn với đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, giao dịch thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN vẫn duy trì ở mức thấp, so với các nhóm kinh tế khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), theo Capital Economics Ltd. Thương mại nội khối chiếm khoảng 1/5 tổng giao dịch thương mại của các quốc gia thành viên ASEAN, trong khi con số này tại EU là hơn 3/5.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là hàng rào thuế xuất giữa các quốc gia thành viên còn cao, đặc biệt là tại Indonesia, Gareth Leather, nhà kinh tế học khu vực châu Á tại London cho biết.
Đầu tư
Hiện tại, nhiều quốc gia trong khu vực đang được hưởng lợi từ lợi tức dân số (demographic dividend). Trong khi Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong đều chứng kiến lực lượng lao động giảm sút kể từ năm 2015, thì các quốc gia Đông Nam Á sẽ chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục gia tăng cho tới năm 2020, Nomura Holdings Inc ước tính.
Lợi thế này, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực đã tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với nguồn tiền đầu tư quốc tế đổ vào khu vực. Các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ đều có kế hoạch thâm nhập sâu hơn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường này.
Chẳng hạn, Coca-Cola cam kết tăng vốn đầu tư gấp đôi vào Việt Nam, mở rộng hoạt động tại Myanmar, trong khi Apple Inc xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Indonesia.
Mặc dù đang trỗi dậy trở thành khu vực kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng toàn cầu, ASEAN vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu trở thành một khối kinh tế thống nhất.
Cụ thể, các hoạt động kinh doanh đối mặt nhiều hạn chế, dù năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập với mục tiêu hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ và lao động được luân chuyển tự do, kinh tế phát triển đồng đều.
Bên cạnh đó, sự đa dạng về thể chế chính trị cũng tạo nên những rào cản nhất định đối với các thành viên nội khối ASEAN. Song Seng Wun, nhà kinh tế học tại CIMB Private Banking nhận định: “Đối với các quốc gia Đông Nam Á, vấn đề luôn là đất nước riêng lẻ trước, rồi sau đó mới tới ASEAN”.