Arcandor (Đức): Phá sản do tính sai nước

(ĐTCK) Trong tuần qua, Arcandor AG, tập đoàn kinh doanh hệ thống siêu thị bán lẻ và cung cấp dịch vụ du lịch lớn của Đức đã chính thức bị phá sản. Lý do khá đơn giản và dễ hiểu là do Arcandor không còn vốn để hoạt động.
Arcandor (Đức): Phá sản do tính sai nước

Số vốn mà Arcandor cần gấp để tồn tại cũng không quá lớn, chỉ trên 1 tỷ euro, song do lãnh đạo tập đoàn này đặt hết hy vọng vào Chính phủ Đức, nên khi Chính phủ từ chối thẳng thừng mọi sự cứu giúp về tài chính thì Arcandor hết cửa để tồn tại. Cụ thể, sau khi Chính phủ Đức từ chối cung cấp khoản vay khẩn cấp trị giá 437 triệu euro (hơn 600 triệu USD) và không đứng ra bảo lãnh cho khoản vay trị giá 650 triệu euro (khoảng 902 triệu USD), Arcandor đã buộc phải xin phá sản.

Arcandor AG hiện có khoảng 70.000 nhân viên làm việc tại nhiều nước châu Âu, trong đó riêng ở Đức có khoảng 43.000 nhân viên. Arcandor AG sở hữu chuỗi siêu thị lớn Karstadt và sở hữu 52% cổ phần của Tập đoàn du lịch nổi tiếng châu Âu Thomas Cook.

Theo nhiều nhà phân tích, lãnh đạo Arcandor chỉ có thể tự trách mình khi để Tập đoàn rơi vào hoàn cảnh bi đát như hiện nay, khi họ nghĩ rằng: kiểu gì thì Chính phủ Đức cũng ra tay cứu Arcandor. Lãnh đạo đã tính sai nước khi nhận định, vừa rồi Chính phủ Đức đã cứu OPEL, một thương hiệu của Tập đoàn sản xuất ô tô General Motors (Mỹ). Cụ thể, Chính phủ Đức cam kết cung cấp khoản tín dụng tạm thời trị giá 1,5 tỷ euro để OPEL duy trì sản xuất bình thường. Về dài hạn, Chính phủ Đức còn cung cấp tiếp một khoản tín dụng trị giá 4,5 tỷ euro cho OPEL.

Để so sánh, OPEL chỉ có 25.000 công nhân, còn Arcandor có tới 43.000 lao động. Cho nên theo cách tư duy thông thường, nếu Arcandor bị phá sản, 43.000 người mất việc làm thì ảnh hưởng về mặt xã hội của vụ Arcandor đương nhiên là lớn hơn, sâu rộng hơn nhiều so với OPEL. Chính phủ Đức đã cứu OPEL thì tất cũng phải cứu Arcandor, nhất là khi cuộc bầu cử liên bang Đức đang đến gần. Song lãnh đạo Arcandor đã nhầm. Chính phủ Đức cương quyết không cứu và còn chỉ ra rằng làm như vậy là đúng, vì Phát ngôn viên Ủy ban Cạnh tranh thuộc Liên minh châu Âu (EU) Neelie Kroes khẳng định: “Những khó khăn của Arcandor đã bắt đầu từ trước tháng 7/2008, chứ không phải do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dùng tiền ngân sách để cứu doanh nghiệp trong trường hợp này là trái với quy định chung của Ủy ban châu Âu (EC)”.

Tuy nhiên, các chính đảng ở Đức đều lợi dụng vụ việc này để tranh thủ ghi điểm cho mình.

Ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), đồng thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức đương chức, ông Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích đích danh Bộ trưởng Kinh tế Đức Karl-Theodor zu Guttenberg là thiếu trách nhiệm để cho khoảng 43.000 nhân viên của Arcandor đứng trước nguy cơ phải gia nhập đội quân thất nghiệp. “Những nhà lãnh đạo có trách nhiệm đã không quan tâm tới điều gì sẽ xảy ra với hàng chục ngàn người lao động của Arcandor, Họ cần phải nhớ lại những gì mà chính họ đã tuyên thệ trước Chính phủ khi nhậm chức”, ông Frank-Walter Steinmeier nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier là một trong những thành viên chính phủ yêu cầu giúp đỡ Arcandor, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Karl-Theodor zu Guttenberg ngay từ đầu đã có quan điểm phá sản là giải pháp tốt nhất của Arcandor.

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cũng không hoàn toàn “khoanh tay ngồi nhìn”, mà chủ động tìm cách khác để tạo cho Arcandor một lối thoát. Có thông tin nói rằng, bà đã vận động để Metro, tập đoàn kinh doanh hệ thống siêu thị lớn nhất Đức thương thảo mua lại Arcandor. Theo một số người thạo tin, có nhiều khả năng Metro sẽ mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản hiện có của Arcandor, trước hết là hệ thống siêu thị Karstadt.

Tuy chưa được loan báo chính thức, song đã có thông tin xác nhận việc ông Eckhard Cordes, Chủ tịch Metro và ông Karl-Gerhard Eick, Chủ tịch Arcandor gặp gỡ, bàn thảo khá kỹ với nhau và sơ bộ thống nhất, hai thương hiệu nổi tiếng là Karstadt của Arcandor và Kaufhof của Metro sẽ được hợp nhất thành một, với tên gọi dự kiến là Deutschen Warenhaus AG. Việc hợp nhất Karstadt và Kaufhof sẽ đặt dấu chấm hết cho quá trình cạnh tranh gay gắt giữa 2 thương hiệu trên thị trường bán lẻ Đức kéo dài nhiều năm nay. Metro hiện có 300.000 lao động làm việc tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu, châu Á và châu Phi.

Cuối tuần qua, ông Karl-Gerhard Eick, Chủ tịch Arcandor, phát biểu có phần lạc quan rằng: “Ngay cả trong quá trình làm thủ tục phá sản, chúng tôi tiếp tục làm hết sức mình để số lao động bị mất việc ít nhất ở mức có thể. Một sự kết thúc cũng là một sự mở đầu”.

Như vậy, thương hiệu Arcandor sẽ bị xoá sổ, sau khi tồn tại được đúng 10 năm. Arcandor ra đời năm 1999 trên cơ sở sáp nhập giữa 2 công ty Karstadt Warenhaus AG (thành lập năm 1920) và Quelle Schickedanz AG & Co (khai sinh năm 1927).     


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục