Đầu tháng 11/2016, Apple công bố kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thứ hai tại Trung Quốc, sẽ được hoàn thiện trong năm 2017. Trung tâm này được đặt tại phía nam thành phố Thẩm Quyến, nơi tụ hội của nhiều nhân tài công nghệ. Trước đó, Apple đã mở trung tâm R&D đầu tiên tại Bắc Kinh trị giá 45 triệu USD.
Dưới đây là 5 lý do mà Apple đẩy mạnh hoạt động R&D tại Trung Quốc, dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều rắc rối xuất phát từ các chính sách của chính quyền địa phương, theo các chuyên gia lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Doanh số bán iPhone
Trước đây, Apple từng nắm giữ 25,4% thị phần smartphone tại thị trường Trung Quốc, trước khi bị Samsung vượt qua vào cuối năm 2014. Hiện tại, vị trí thống trị thị trường đang thuộc về 2 công ty nội địa là Huawei và OPPO, sau khi các nhà sản xuất thiết bị di động thông minh này vươn lên dẫn đầu lần đầu tiên vào tháng 6/2016.
Quý II/2016, lần đầu tiên OPPO vượt qua Huawei, Samsung dẫn dầu thị phần smartphone tại Trung Quốc
Trong quý II/2016, Apple cung cấp ra thị trường Đại lục 8,6 triệu smartphone, giảm 31,7% so với cùng thời gian năm ngoái. Huawei là công ty dẫn dầu với 19,1 triệu sản phẩm, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Doanh số bán iPhone của Apple giảm 33% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tiến hành thêm hoạt động R&D tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc Apple có thể tiếp cận tới nhân sự của các nhãn hàng nội địa, những người có thể chuyển hướng công việc sang Apple nếu nhận được mức lương hấp dẫn.
Xây dựng lại hình ảnh
Giống như nhiều thương hiệu khác, Apple “bị cho rằng” chỉ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc với mục tiêu kiếm tiền và rút lui. Hình ảnh này đã tác động không tốt tới thương hiệu của công ty đối với người tiêu dùng Trung Quốc, bởi hiện tại, Trung Quốc đã có thể tự mình sản xuất smartphone và không cần phụ thuộc vào các nhãn hiệu nước ngoài.
“Các thương hiệu nước ngoài trong quá khứ thường bị cáo buộc rằng chỉ tới vì hám lợi, vì vậy, hoạt động R&D là một cách tốt để quan hệ công chúng, cho thấy những cam kết sẽ gắn bó với lợi ích của người tiêu dùng Đại lục”, Danny Levinson, nhà đầu tư công nghệ cao tại Matoka Capital cho biết.
Hiểu rõ hơn về khách hàng
Tất nhiên, một trong những mục tiêu chính của hoạt động R&D là để hiểu mong muốn của khách hàng.
Người tiêu dùng truyền thống Đại lục tìm tới các thương hiệu nổi tiếng thế giới vì ưu chuộng chất lượng và một phần vì xây dựng hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt với các công ty theo mô hình một sản phẩm phù hợp với tất cả, như iPhone của Apple, thường gặp phải thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng của khách hàng Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Accenture cho thấy, một nửa số khách hàng sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc sử dụng một thiết bị điện tử khác trong khi xem TV và việc chuyển đổi các sản phẩm công nghệ khác nền tảng, như IOS và Android ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc vẫn còn khá e ngại việc sử dụng đồ quá đắt tiền, vì vậy có xu hướng lựa chọn các sản phẩm Android hơn là dùng iPhone.
Apple liệu có thể tạo ra iPhone có giá 320 USD, so với mức 649 USD cho iPhone 7 hiện nay
Trung tâm R&D tại Bắc Kinh và Thẩm Quyến sẽ giúp Apple bám sát hơn xu hướng tiêu dùng của khách hàng, bằng cách tiếp cận gần hơn với các hãng nghiên cứu công nghệ và các trường đại học tại Trung Quốc. Vấn đề là liệu hoạt động này có giúp Apple tạo ra iPhone có giá chỉ 320 USD?
Vượt mặt Google
Google từng có “vết đen” tại Trung Quốc khi đóng cửa trung tâm nghiên cứu tại đây năm 2010 sau sự cố bị tấn công mạng và từ chối bị giới chức nước này kiểm duyệt. Tuy nhiên, các công ty sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đều đang sử dụng nền tảng Android của Google, vì vậy, đại gia công nghệ này đang cân nhắc việc mở lại hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Đại lục.
Năm 2010, Google đã đóng cửa trung tâm R&D tại Trung Quốc, từ chối sự kiểm duyệt của giới chức nước này
Sự quay trở lại của Google có thể trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Apple.
“Lo lắng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là Apple không muốn Google quay trở lại Trung Quốc, vì vậy, Apple phải có bước tiến trước để nắm vị thế tiên phong”, Alicia Garcia, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis cho biết.
Tạo mối quan hệ đáng tin cậy với các nhà cung cấp
Apple ngày càng phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên vật liệu tại Trung Quốc so với các nguồn truyền thống khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Hiện tại, Desay Battery, Sunwoda Electronics là các nhà cung cấp pin cho Apple. BYD là công ty lắp ráp sản phẩm chính. Tất cả đều là các công ty Trung Quốc với nhà máy tại Thẩm Quyến.
Bức ảnh được chụp vào tháng 4/2015 cho thấy các công nhân một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc so sánh Apple Watch với một sản phẩm tương tự được sản xuất tại đây