10 ngày sau đó, Microsoft công bố thương vụ mua lại lớn nhất ngành năng lượng gió, với thỏa thuận mua 237 megawatts điện gió từ Kansas và Wyoming để chạy trung tâm dữ liệu tại Cheyenne.
Trong khoảng thời gian giữa 2 thông báo này, tỷ phú bất động sản Donald Trump đã được bầu trở thành Tổng thống Mỹ. Một trong những phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump khi tranh cử là việc “thề” sẽ xóa bỏ phần lớn chính sách năng lượng sạch của ông Obama và hồi sinh lại ngành khai thác mỏ. Chưa kể, ông Trump cho rằng, cái gọi là biến đổi khí hậu chỉ là “trò bịp bợm”.
Theo logic, việc ông Trump thắng cử sẽ gây ra lo ngại cho các công ty như Walmart và Microsoft, khiến những doanh nghiệp này có đôi chút chần chừ khi dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực năng lượng sạch. Tuy nhiên, theo Thomas Emmons, nhà quản lý quỹ Pegasus Capital Advisor, “tác động tiêu cực từ việc ông Trump thắng cử bị vô hiệu tại lĩnh vực năng lượng sạch”.
Và lý do duy nhất là thời điểm. Một trong những động cơ kinh tế lớn nhất đối với lĩnh vực năng lượng sạch là mức thuế ưu đãi mà các công ty nhận được đối với dự án năng lượng gió và mặt trời. Các ưu đãi này đều được thiết lập kỳ hạn vào cuối năm nay, thúc đẩy các công ty “nhanh chân” đầu tư vào năng lượng sạch trước khi quá hạn.
Mặc dù vào tháng 12/2015, Quốc hội Mỹ bất ngờ mở rộng thời hạn của chính sách ưu đãi lên tới năm 2021 dành cho năng lượng mặt trời và năm 2019 cho năng lượng gió, tuy nhiên, chưa rõ liệu ông Trump có thuyết phục Quốc hội hủy bỏ chính sách này hay không. Do đó, năng lượng sạch là lĩnh vực quá “nóng” để các công ty chần chừ trong việc ra quyết định.
Hiện nay, 60% các công ty trong danh sách Fortune 100 sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, hoặc có các chiến lược riêng với vấn đề biến đổi khí hậu. 81 công ty toàn cầu cam kết sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo, theo Bloomberg New Energy Finance (BNEF). Các công ty có xu hướng đầu tư vào năng lượng sạch theo 3 cách: thuê ngoài năng lượng sạch từ các dự án năng lượng gió và mặt trời theo các thỏa thuận dài hạn, mua lại cổ phần tại các dự án năng lượng sạch và trả tiền mua năng lượng sạch, nhằm xóa bỏ hạn mức khí thải gây ô nhiễm từ hoạt động của mình.
Kể từ năm 2008, các công ty Mỹ đã ký thỏa thuận mua lại hơn 10 tỷ USD năng lượng gió và mặt trời, tương đương với lượng năng lượng mà 2 triệu hộ dân Mỹ dùng trong 1 năm. BNEF dự báo, tốc độ tăng trưởng của con số này sẽ gia tăng nhanh hơn nữa trong thập kỷ tới, khi ít nhất 50 công ty Mỹ ký hợp đồng mua năng lượng sạch dài hạn.
“Việc ông Trump thắng cử không khiến chúng tôi hạ thấp kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường năng lượng sạch. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất, khi chính quyền không còn các hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhiều công ty sẽ tiết kiệm bằng cách ký hợp đồng sử dụng năng lượng sạch dài hạn hơn. Điều này giúp các nhà phát triển năng lượng sạch có được lượng khách hàng cố định, đảm bảo khả năng tài chính cho các dự án”, Nathan Serota, chuyên gia phân tích tại BNEF cho biết.
Mindy Lubber, Chủ tịch Ceres, một tổ chức phát triển bền vững phi lợi nhuận nhìn nhận, các công ty đầu tư vào phát triển bền vững không phải chỉ vì được hưởng lợi từ chính sách hay môi trường chính trị, họ làm điều đó vì có nghĩa vụ đối với việc bảo vệ cổ đông và kiếm lợi nhuận.
Ngày 16/11/2016, 300 doanh nghiệp Mỹ, bao gồm nhiều tên tuổi lớn như General Mills, eBay và Intel đã lên tiếng kêu gọi ông Trump ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thực tế, xu hướng đầu tư vào năng lượng sạch và phát triển bền vững đã trở thành động lực phát triển lớn trên toàn cầu, với những “tay chơi” lớn như Goldman Sachs và Bill Gates.
“Thế hệ millennial”, những khách hàng tiêu dùng từ 18 – 35 tuổi hiện nay, là những người quan tâm tới vấn đề môi trường, họ sẽ muốn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ từ những công ty có hoạt động phát triển bền vững và cam kết gắn bó với năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những lý do để các công ty muốn tồn tại, phải tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng sạch.