Khẩu vị của nhà đầu tư là nắm cổ phần chi phối doanh nghiệp đang hoạt động có dòng tiền ổn định. Khi doanh nghiệp đạt các yêu cầu này, họ sẵn sàng trả giá cao. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, đã có một số thương vụ thành công trong nửa đầu năm và nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển tiền với quy mô trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Về nguồn cung, theo đánh giá của giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán, tuy Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoặc dự án thủy điện đang hoạt động nhưng không có nhiều hàng trên thị trường. Lý do là các dự án thủy điện cho dòng tiền rất tốt, trừ trường hợp doanh nghiệp thiếu vốn và cần huy động tiền cho các lĩnh vực kinh doanh khác mới bán tài sản dạng này. Đa phần các thương vụ đã thực hiện, các bên tham gia M&A phải thực hiện nghiệp vụ chia tách tài sản vì nhà đầu tư ngoại chỉ muốn mua dự án thủy điện, không muốn mua các mảng hoạt động khác của doanh nghiệp.
Ngày 1/9/2016, quỹ đầu tư trực thuộc Ngân hàng United Overseas Bank là UOB Venture Management Pte Ltd (UOBVM) và Tập đoàn ORIX Nhật Bản (ORIX) công bố đầu tư mỗi bên 25 triệu USD vào một trong những công ty tư nhân lớn nhất về thủy điện của Việt Nam là CTCP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power). Quỹ Mekong Brahmaputra Clean Development Fund (MBCDF - thuộc Dragon Capital) công bố đã mua thêm cổ phần để củng cố vị trí là nhà đầu tư lớn nhất tại Công ty Thủy điện Sông Ông. Với thương vụ này, MBCDF sở hữu 66,1% Thủy điện Sông Ông sau khi được sự đồng ý từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận.