Việt Nam được xem là một thị trường rất hấp dẫn với quy mô dân số xấp xỉ 96 triệu người, đứng thứ ba khu vực ASEAN và mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực. Hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Các hệ thống này liên tục mở rộng, góp phần thay đổi diện mạo thị trường và cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lớn.
Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải dừng kinh doanh trong ngành bán lẻ vì không chịu được lỗ nặng. Năm 2011, Tập đoàn Sơn Hà (SHI) thành lập Công ty cổ phần Hiway Việt Nam để kinh doanh bán lẻ, mở 10 siêu thị với tham vọng lọt vào Top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng chỉ 4 năm đó, chuỗi siêu thị này đã phải ngừng hoạt động. Fivimart, Queenland Mart, Viễn thông A cũng phải bán lại cho Vingroup. Nhiều “ông lớn” bán lẻ nước ngoài cũng rút khỏi “cuộc chơi” sau một thời gian tham gia thị trường như Metro, Auchan, Shop & Go.
Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, trong năm 2017 và 2018, bán lẻ Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chứng kiến sự mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần của các doanh nghiệp lớn thông qua các hoạt động thâu tóm các công ty nhỏ hơn. Những cuộc mua bán - sáp nhập này nhanh chóng khẳng định vị thế hàng đầu của những tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam, đồng thời bỏ lại các công ty nhỏ ở phía sau cuộc đua.
Tập đoàn Vingroup cho biết, VinMart, VinMart+ tự tin, hoàn toàn có thể thắng các đối thủ trong và ngoài nước nhờ hàng loạt ưu thế vượt trội trên thị trường. VinMart, VinMart+ đã và đang xây dựng chuẩn hóa theo hướng tiêu chuẩn quốc tế: không gian mua sắm hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt, phong cách phục vụ chuyên nghiệp…
Theo Vingroup, họ có lợi thế hơn hẳn nhà bán lẻ nước ngoài khi am hiểu nhu cầu, thói quen của người tiêu dùng trong nước. Với thực trạng thị trường hiện nay, khách hàng đặc biệt quan tâm tới vấn đề về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. VinMart, VinMart+ đã quyết định đầu tư bài bản hệ thống hơn 38 phòng và trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm trên khắp cả nước và thừa hưởng ưu thế từ Tập đoàn Vingroup với hệ thống 14 nông trường công nghệ cao để giải quyết triệt
VinMart & VinMart+ đã liên tiếp triển khai hàng loạt các chương trình để nâng cao chất lượng và trải nghiệm cho người tiêu dùng như triển khai tính năng mua hàng từ xa – nhận hàng tại nhà, mở siêu thị ảo...
Trong khi đó, CTCP Thế giới di động (MWG) đã vượt mặt nhiều tên tuổi lớn trong khu vực trở thành một trong 8 nhà bán lẻ tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2019, MWG đặt kế hoạch đạt 108.468 tỷ đồng doanh thu và 3.571 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, MWG gia tăng được lợi nhuận nhờ tối ưu hóa sắp xếp cửa hàng đối với Thế giới di động và Điện Máy Xanh, cho phép có nhiều mã hàng hóa hơn cùng với việc thêm các sản phẩm dụng cụ nhà bếp, đồng hồ đeo tay và mắt kính thời trang góp phần làm tăng biên lãi gộp và giảm tỷ lệ chi phí.
MWG cho biết sẽ tăng số lượng cửa hàng Điện Máy Xanh từ cả mở mới và chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới di động. Dự kiến, sẽ có 900 và 1.000 cửa hàng Điện Máy Xanh lần lượt vào cuối các năm 2019 và 2020. MWG cũng xác lập mục tiêu nâng tổng số cửa hàng kinh doanh đồng hồ lên khoảng 200 vào cuối năm 2019. Mục tiêu đến giữa năm 2020, sẽ có 500 cửa hàng với doanh số 3 triệu đồng hồ.
VDSC cũng kỳ vọng với đà tăng trưởng hiện nay, đến năm 2020, Thế giới di động sẽ đạt được doanh thu 131.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.314 tỷ đồng.
CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) vừa công bố tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 với doanh thu đạt 12.427 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến (online) tăng hơn 59%, lên mức 2.974 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng doanh thu FRT. Công ty kỳ vọng sẽ đẩy doanh thu online tăng hơn 40% đến cuối năm, từ mức 1.649 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, đóng góp đến 41% tổng doanh thu. Vừa qua, FPT Retail đã có dự án hợp tác với Fado, thử nghiệm bán hàng xuyên quốc gia. Đây là một phần trong chiến lược dài hơi của doanh nghiệp này nhằm thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584 và số lượng nhà thuốc Long Châu là 50. Đồng thời, FPT Retail đã hoàn tất việc ký hợp đồng với 20 địa điểm để mở thêm nhà thuốc Long Châu. Lãnh đạo FPT Retail kỳ vọng, kế hoạch có 70 nhà thuốc Long Châu sẽ hoàn tất trong năm nay.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, doanh thu của Long Châu sẽ đóng góp 25% cho FRT vào năm 2023.
Tại Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld - DGW), 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu đạt 5.992 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 84% chỉ tiêu doanh thu cả năm; lợi nhuận đạt 112 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, hoàn thành 82% chỉ tiêu kế hoạch năm.
DGW vừa ký kết với SEAGATE phân phối thiết bị và giải pháp lưu trữ tại thị trường Việt Nam. Động thái này là bước đi mở rộng mảng thiết bị văn phòng trong xu hướng chuyển đổi số của DGW.
Theo Vietnam Report, dự kiến quý IV năm 2019 và trong cả năm 2020 nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên thị trường cả nước. Sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.