Giá chào bán thấp hơn 20% thị giá
Với kế hoạch phát hành đã được cổ đông của Dầu Tường An thông qua, Công ty có thể thu về gần 730 tỷ đồng, thông qua 2 phương thức phát hành.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ chào bán ra công chúng gần 17 triệu cổ phiếu, với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ thực hiện đợt chào bán 1,7 triệu cổ phiếu thưởng ESOP, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu cho cả 2 đợt phát hành dự kiến là gần 730 tỷ đồng.
Khả năng thành công của các kế hoạch phát hành được giới chuyên môn đánh giá khá cao, bởi hiện tại, thị giá của cổ phiếu TAC trên sàn đang ở mức xấp xỉ 50.000 đồng/cổ phiếu.
Giá chào bán dự kiến của đợt phát hành ra công chúng thấp hơn khoảng 20% so với thị giá cổ phiếu TAC, trong khi giá bán cổ phiếu ESOP chỉ bằng khoảng 30% so với thị giá của cổ phiếu này.
Việc Công ty đưa ra kế hoạch phát hành vào thời điểm này cũng được đánh giá là khá thuận lợi, bởi Dầu Tường An vừa trải qua một năm kinh doanh có mức tăng trưởng tương đối cao.
Doanh thu thuần năm 2020 của Tường An đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 26,67% so với năm 2019; lợi nhuận gộp tương ứng đạt 762 tỷ đồng, tăng 15,22% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu đến từ phân khúc trung và cao cấp tăng 23% so với năm 2019.
Áp lực pha loãng hiện hữu
Bức tranh kinh doanh năm 2020 của Dầu Tường An khá khả quan, song việc doanh nghiệp tăng số lượng cổ phiếu lưu hành không thể tránh khỏi tình trạng cổ phiếu sẽ bị pha loãng. Theo đó, với số lượng cổ phiếu tăng thêm, nếu lợi nhuận năm 2021 không có tốc độ tăng trưởng tương ứng, thì tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ sụt giảm.
Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành đợt này là 18,7 triệu cổ phiếu, chiếm 5,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Điều này đặt ra yêu cầu Dầu Tường An sẽ phải đạt lợi nhuận trước thuế ít nhất là 231,5 tỷ đồng thì mới đạt được tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu bằng năm ngoái, chưa nói đến tăng trưởng. Vậy, điều này liệu có khả thi?
Theo kế hoạch của Dầu Tường An, công ty này sẽ vẫn tập trung gia tăng thị phần ở hai dòng sản phẩm trung và cao cấp, nâng cấp và phát triển các sản phẩm theo xu hướng của thị trường, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, Dầu Tường An có chủ trương đầu tư, mở rộng Nhà máy Dầu Phú Mỹ; nâng công suất nhà máy tinh luyện; đầu tư một số hạng mục máy móc, thiết bị, mở rộng kho, bồn chứa; mở rộng diện tích xây dựng nhà máy ở Vinh từ 8.800 m2 lên 17.000 m2 (nâng công suất nhà máy dầu tại Vinh từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm) và gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.
Kết quả kinh doanh qua một tháng đầu tiên của năm 2021 cho thấy, công ty ngành dầu này đạt doanh thu thuần 864 tỷ đồng, tăng 161,78% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỷ đồng, tăng 153,77% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận này cao hơn khá nhiều so với yêu cầu đặt ra là phải cao hơn 5,5% để duy trì tỷ lệ EPS.
Tuy nhiên, kết quả tháng khởi đầu năm cũng chỉ là một lợi thế ban đầu và chặng đường trong năm còn dài với những biến cố khó lường có thể xảy ra. Do vậy, áp lực đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cho cổ đông sau phát hành vẫn sẽ đặt lên vai các nhà quản lý doanh nghiệp này trong những tháng còn lại của năm 2021.
Trong năm 2020, chi phí hoạt động trên doanh thu thuần của Dầu Tường An giảm 11,97% so với năm 2019. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 221 tỷ đồng, tăng 29,61% so với năm 2019. Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 và biên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đều tăng so với năm 2019, lần lượt là đạt 4,18% và 3,36%.