Áp lực lớn, ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cao 2019

(ĐTCK) Lãnh đạo các ngân hàng đang lên kế hoạch lợi nhuận để trình ĐHCĐ sắp tới và với hạn mức tăng trưởng tín dụng 2019 chỉ là 14%, áp lực là câu chuyện được nhiều ngân hàng nhắc đến.
Áp lực lớn, ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cao 2019

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng năm nay dự kiến mục tiêu lợi nhuận 3.500 tỷ đồng trước thuế so với mức thực hiện năm rồi là trên 2.000 tỷ đồng.

Đây được xem là con số áp lực đối với Ban điều hành. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn có lý do để tự tin với con số trên, bởi thời gian qua ngân hàng đầu tư rất mạnh cho công nghệ, áp dụng chuẩn quốc tế và giai đoạn tới là lúc “hái quả”.

Với mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2018, trên 18.000 tỷ đồng trước thuế, Vietcombank (VCB) dự kiến sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VCB, đây là một mục tiêu áp lực cao đối với Ngân hàng.

Thực tế, lợi nhuận của VCB đạt được trong năm qua gần bằng lợi nhuận của 3 ngân hàng cổ phần tốp đầu cộng lại. VCB cũng đã và đang đẩy mạnh bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ để giảm dần vào mảng tín dụng.

Tuy năm rồi lọt Top 5 ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất, nhưng VietinBank cũng đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận mức 9.500 tỷ đồng trước thuế cho năm nay. Bởi thách thức đặt ra với Vietinbank là nếu năm nay không tăng được vốn thì cũng khó kỳ vọng lợi nhuận cao.

Khi vốn mỏng, hệ số an toàn vốn (CAR) giảm buộc Ngân hàng phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Điều này đã từng diễn ra ở VietinBank khi trong quý IV/2018 giảm đến 26.000 tỷ đồng chỉ tiêu dư nợ, vì chưa tăng được vốn điều lệ.

Không chỉ riêng Vietinbank mà cả với BIDV cũng như nhiều ngân hàng khác đang phải chạy đua tăng vốn để nâng hệ số CAR, mới tăng được chỉ tiêu tín dụng.

Dù áp lực là không nhỏ, nhưng các ngân hàng vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2019. Theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng đang tỏ ra lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh trong năm 2019.

Dự báo trong năm nay, 77,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng so với năm 2018, trong đó nhu cầu vay vốn được đa số các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng mạnh.

Trên cơ sở các yếu tố khách quan và chủ quan, 86% tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị được cải thiện hơn trong 2018 so với cuối năm 2017 và dự báo năm 2019, khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng kinh doanh tiếp tục cải thiện so với năm 2018, trong đó có 35% tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều.

Cụ thể, tại một số ngân hàng cũng được giới phân tích đánh giá tích cực. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế của ACB có thể đạt 7.772 tỷ đồng năm nay, tăng 21,7% so với năm trước.

Trong đó, cho vay khách hàng ước tăng 14%, tiền gửi khách hàng cũng tăng 14%. NIM của ACB dự báo tăng 0,1%, lên 3,75%. Thu nhập lãi thuần theo đó tăng trưởng 17,1%, đạt 12.136 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng của Ngân hàng dự báo sẽ giảm 715 tỷ đồng, giảm 23,2% so với năm 2018 với nợ xấu sau khi xử lý tương đương 1% tổng dư nợ. Nguyên nhân bởi ACB đã xử lý được các khoản nợ xấu trong nhóm G6 liên quan đến “bầu” Kiên và tất toán trái phiếu VAMC.

HSC cũng đánh giá triển vọng lợi nhuận 2019 của HDBank khả quan, dự kiến tăng trưởng 27,3%, đạt 5.098 tỷ đồng so với mức thực hiện năm rồi là hơn 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên các giả định gồm: cho vay khách hàng tăng trưởng 18,2% so với năm 2018, đạt 145.000 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay khách hàng của HDBank tăng trưởng 18% và HD Saison tăng trưởng 20%.

Với VPBank, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo lãi hơn 10.000 tỷ đồng trước thuế trong năm 2019, tăng 10,5% so với năm rồi. Theo SSI, năm 2019 VPBank sẽ tăng trưởng tổng tài sản 14,3%, tiền gửi tăng trưởng 16,2%; tín dụng tăng 16,3%.

Trong một phân tích mới đây, Moody's cho biết, các ngân hàng Việt được hãng này xếp hạng đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Từ đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng được cải thiện vì họ sử dụng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu hình thành trước đây.

Nhiều ngân hàng có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn   

Cụ thể, các ngân hàng mà Moody's xếp hạng đã đạt được tỷ suất sinh lợi/tổng tài sản cao hơn trong 2 năm qua, từ mức 0,9% năm 2017 lên 1,1% năm 2018. Thu nhập ròng của các ngân hàng tăng 35%, đạt 70.000 tỷ đồng năm 2018, mặc dù có sự điều chỉnh về tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Moody's đánh giá, hầu hết các ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020.

Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng Việt trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh. 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục