Chốt lịch sớm
Nam A Bank dự kiến họp ĐHCĐ thường niên vào ngày 23/3 tới. Nhà băng này đã có thông báo sớm đến cổ đông trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi về việc chốt danh sách cổ đông dự họp vào ngày 4/3. Năm qua, Nam A Bank chưa hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng so với mức hiện tại là hơn 3.000 tỷ đồng và Hội đồng quản trị Nam A Bank cho biết sẽ tiếp tục trình cổ đông kế hoạch tăng vốn này trong kỳ đại hội năm nay để nâng cao năng lực tài chính.
Ông Trần Ngọc Tâm - Tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, nhưng chưa thực hiện được. Lãnh đạo Nam A Bank cũng cho biết, nếu điều kiện thị trường thuận lợi sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), thay vì UPCoM.
Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến cho năm 2019 ở mức 1.000 tỷ đồng so với con số đạt được năm 2018 là gần 750 tỷ đồng, đây sẽ là áp lực không nhỏ đối với Nam A Bank. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Nam A Bank, Ngân hàng có cơ sở để hoàn thành mục tiêu đề ra khi đã có sự chuẩn bị sớm ngay từ đầu năm cả về huy động tiết kiệm và cho vay ra nền kinh tế. Trong đó, Nam A Bank sẽ đẩy mạnh tín dụng xanh, với lãi vay ưu đãi ở mức 7%/năm.
MBBank cũng chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên vào ngày 4/3/2019. Một trong các nội dung quan trọng của cuộc họp năm nay là việc bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019-2024. Theo đó, MBBank đã lên danh sách cổ đông được đề cử, ứng cử nhân sự dự kiến bầu vào cùng ngày.
Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị của MBBank là ông Lê Hữu Đức, 2 Phó chủ tịch là ông Lưu Trung Thái (kiêm Tổng giám đốc) và ông Lê Công, ngoài ra là 7 thành viên khác, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Năm 2018, MBBank đạt 7.767 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 68% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của MBBank đạt 362.361 tỷ đồng, tăng 15,4% so với hồi đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng và huy động tiền gửi tăng tương ứng 16,2% và 9%.
Eximbank cho biết sẽ tiến hành họp ĐHCĐ thường niên vào ngày 26/4/2019 tại TP. HCM. Các nội dung quan trong được đưa ra bàn thảo tại đại hội bao gồm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, phương hướng kinh doanh năm 2019 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. Trước đó, vào ngày 28/1, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội và tài liệu họp ĐHCĐ sẽ được công bố trên website Ngân hàng trước ngày đại hội diễn ra.
Kết thúc năm 2018, Eximbank đạt 827 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với năm 2017 do phải trích lập dự phòng cao dẫn đến bị lỗ trong quý IV/2018. Cụ thể, 2 vụ tiền gửi bị “bốc hơi” khiến Eximbank chịu lỗ 309 tỷ đồng trong quý cuối năm, đồng thời phải trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC số tiền 514 tỷ đồng.
Những "điểm nóng"
Với Eximbank, ngoài trích lập dự phòng, nhân sự cấp cao cũng là vấn đề nóng trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm nay. Ở kỳ đại hội trước, sau các vụ mất tiền gửi tiết kiệm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho Eximbank, Tổng giám đốc Lê Văn Quyết đã đề xuất với Hội đồng quản trị về nguyện vọng tìm kiếm Tổng giám đốc mới.
Người thay thế cho "chiếc ghế nóng" tại Eximbank được đồn đoán là ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng. Thế nhưng, từ tháng 4/2018 đến nay, vẫn chưa có thông tin mới về tình hình nhân sự cấp cao của nhà băng này.
Năm qua, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc tài sản nên không chia cổ tức cho cổ đông. Điều này không khỏi ảnh hưởng tới tâm lý cổ đông Eximbank do đã không được nhận cổ tức trong nhiều năm. Ban lãnh đạo Eximbank mong cổ đông thông cảm bởi đây là điều bất đắc dĩ vì phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu và các tồn đọng khác nên không thể chia cổ tức trong thời gian qua.
Cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, nhưng lợi nhuận năm qua của Sacombank vẫn khả quan khi đạt 2.247 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 50% so với năm 2017 và hoàn thành 122% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, nợ xấu tính đến cuối năm 2018 đã về dưới 3% - giảm mạnh so với con số 4,2% hồi đầu năm. Dù vậy, đây vẫn được cho là vấn đề nổi cộm của Sacombank tại ĐHCĐ năm nay.
Mặt khác, cổ đông của Sacombank cũng chưa thể nhận cổ tức trong giai đoạn tái cấu trúc và điều này được người đứng đầu Ngân hàng cho biết là để dành trích lập dự phòng. Tại ĐHCĐ năm 2018, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh từng khẳng định, nếu sau 3 năm không xử lý được nợ xấu sẽ rời ngân hàng.
Bên cạnh nợ xấu và nhân sự cấp cao, tăng vốn cũng là điểm nóng trong mùa ĐHCĐ thường niên năm nay, kể cả với nhà băng lớn. BIDV và Vietinbank đều có chung mong muốn tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, cũng như tuân thủ chuẩn Basel II.
BIDV đã chính thức công bố kế hoạch phát hành tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc. Theo phương án trình cổ đông, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại và 15% vốn sau khi tăng cho KEB Hana Bank. Nếu thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 13% và theo tiêu chuẩn Basel II là 12%. Để đáp ứng quy định, ngoài phương thức phát hành cổ phần, các ngân hàng sẽ phải mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn điều lệ trong năm nay. Đơn cử, ACB dự chi cổ tức năm 2018 ở mức 30%...
Nhu cầu tăng vốn là rất cấp bách, song không phải điều dễ thực thi đối với hầu hết nhà băng, nhất là với các ngân hàng quy mô nhỏ, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu còn cao, bởi lợi nhuận làm ra chủ yếu để dành trích dự phòng rủi ro.
Chẳng hạn, Saigonbank và DongA Bank đều không thể chia cổ tức trong nhiều năm. Bởi DongA Bank đang chịu kiểm soát đặc biệt, còn Saigonbank có tỷ lệ nợ xấu cao, lên tới hơn 6% tính đến cuối tháng 10/2018. Các ngân hàng này đang phải vật lộn để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu nên khó có thể chia cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều ngân hàng cho biết sẽ sớm tiền hành ĐHCĐ thường niên trong thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 4/2019 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019. Các cổ đông cũng đang háo hức trông chờ những thông tin mới phát đi từ ngân hàng.
Thế nhưng, với nhiều ngân hàng, phải đến sát ngày đại hội diễn ra mới thực hiện đăng tải tài liệu trên website, thậm chí một số nhà băng còn yêu cầu có mã số cổ đông mới có thể truy cập website để tìm tài liệu và xem được thông tin. Theo giới phân tích tài chính, điều này là trái với quy định về công bố thông tin, bởi hầu hết ngân hàng đã là công ty đại chúng nên phải công bố thông tin rộng rãi ra thị trường.