Áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết lớn dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục tiêu lợi nhuận đang trở thành áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp niêm yết, khi bước qua nửa đầu năm, những doanh nghiệp này chỉ thực hiện được tỷ lệ rất nhỏ.
Doanh nghiệp ngành thép năm nay khó có khả năng về đích lợi nhuận đề ra. Doanh nghiệp ngành thép năm nay khó có khả năng về đích lợi nhuận đề ra.

Lợi nhuận 6 tháng sụt giảm mạnh

Năm nay, Công ty cổ phần Dabaco (mã DBC) đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với mức thực hiện trong năm 2021. Với việc chỉ đạt 22,88 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu lợi nhuận cả năm của Dabaco còn quá xa.

Theo giải trình của Công ty, lợi nhuận 6 tháng đầu năm lao dốc chủ yếu là do giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng doanh thu, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh. Cụ thể, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, chiến tranh giữa Nga và Ukraine gây biến động lớn tới giá cả nguyên vật liệu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.

Tại Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), sau quý đầu năm lỗ hơn 6,6 tỷ đồng thì quý II, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cách biệt quá lớn so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 296 tỷ đồng (tăng 296% so với năm 2021) Công ty đề ra.

Theo Fecon, trong kỳ, bão giá nguyên nhiên liệu và chi phí nhân công trực tiếp tăng đã đội chi phí của doanh nghiệp lên rất lớn, trong khi các dự án đã ký kết từ năm 2020 và đầu năm 2022 đều với đơn giá cố định. Thêm vào đó, chi phí lãi vay và thuê tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.

Thống kê của FiinTrade từ 1.137/1.699 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 98% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 cho thấy, nhóm chứng khoán, thép, bất động sản và bán lẻ là 4 nhóm ngành có lợi nhuận quý II giảm mạnh so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý với khối doanh nghiệp bất động sản, tốc độ sụt giảm 39,2% của lợi nhuận toàn ngành chủ yếu là bị ảnh hưởng từ Vinhomes (mã VHM).

Nếu loại trừ Vinhomes khỏi số liệu thống kê, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại tăng 48,5%, trên nền lợi nhuận quý II/2021 rất thấp do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 trong năm 2021.

Nhóm du lịch và hàng không ghi nhận doanh thu giảm 8,4% và lợi nhuận tiếp tục âm nặng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán khiến nhóm công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận quý II giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí có công ty thua lỗ.

Chẳng hạn, Chứng khoán Bảo Minh (BMS) báo lỗ ròng 133,3 tỷ đồng, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) lỗ ròng gần 130 tỷ đồng, Chứng khoán APG lỗ ròng gần 77 tỷ đồng… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm của nhóm công ty chứng khoán, bởi rất nhiều công ty đặt mục tiêu tăng trưởng so với năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế quý II cũng như 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành thép sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ do chi phí đầu vào tăng lên (giá than luyện cốc), trong khi nhu cầu kém tích cực (phần lớn vì ảnh hưởng từ thị trường bất động sản dân cư) và cạnh tranh cao với nguồn nhập khẩu, giá bán thép thành phẩm liên tục sụt giảm.

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) báo cáo doanh thu quý II đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm hơn 58,7% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 82.118 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế giảm 27%, đạt 12.229 tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch cả năm.

Công ty cổ phần Tôn Nam Kim (mã NKG) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 7.196 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế sụt giảm hơn 76%, xuống mức 201 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu thuần 14.347 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế chỉ đạt 708 tỷ đồng, giảm gần 40%, hoàn thành hơn 44% so với kế hoạch cả năm.

Áp lực về đích

Mới đây, SSI Research đã đưa ra dự phóng lợi nhuận năm 2022 của nhóm ngành thép. Với Tập đoàn Hoà Phát, SSI dự báo lợi nhuận ròng năm nay đạt 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1% so với cùng kỳ), thấp hơn so với mục tiêu cao nhất là 30.000 tỷ đồng Công ty đặt ra.

Dự báo của SSI đưa ra trên cơ sở giả định giá thép giảm. Sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC, thép ống và phôi thép dự phóng lần lượt đạt 4,7 triệu tấn (tăng 19% so với cùng kỳ); 2,8 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ); 690.000 tấn (tăng 5% so với cùng kỳ) và 700.000 tấn (giảm 46,6% so với cùng kỳ).

Với Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), SSI dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Con số này thấp hơn so với mục tiêu thấp nhất của HSG trong năm nay (từ 1.500 - 2.500 tỷ đồng lợi nhuận).

Với Tập đoàn Nam Kim (mã NKG), lợi nhuận sau thuế được dự phóng sẽ giảm 39% so với năm 2021, xuống còn 1.350 tỷ đồng, thấp hơn 15,6% so với mục tiêu NKG đặt ra (là 1.600 tỷ đồng).

Tại Dabaco, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Như So, “Công ty chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và nỗ lực hoàn thành trong các tháng còn lại của năm”, nhưng bối cảnh thị trường chưa có tín hiệu “ủng hộ” quyết tâm này.

Dabaco cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất chăn nuôi đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những thách thức ngoài tầm kiểm soát như dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến khó lường.

Ngoài ra, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều thách thức với ngành chăn nuôi do phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các nước tham gia ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam.

Hay tại Fecon, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, “Công ty vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thi công xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng, đặc biệt là những công trình có kết cấu đặc biệt để có thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua”. Tuy vậy, nỗ lực này đang gặp nhiều lực cản từ thị trường.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp xây lắp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, quý III/2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự có cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm, thậm chí có thể khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi sự biến động của các yếu tố đầu vào như sử dụng lao động, chi phí sản xuất.

Trong đó, tài chính đang là một sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư còn phức tạp, khó khăn, hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng 20 - 25% cuối của dự án.

“Dù một số dự án doanh nghiệp đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ”, vị này chia sẻ.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục