Áp lực chi phí nhiên liệu đè nặng ngành hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí nhiên liệu - vốn chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không, tăng phi mã, khiến đà hồi phục của ngành đang gặp nhiều thách thức.
Các hãng hàng không đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch. Các hãng hàng không đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch.

Chi phí nhiên liệu gây áp lực lên lợi nhuận

Hoạt động của ngành hàng không sôi động hơn khi các đường bay trong nước và quốc tế được mở lại, tuy vậy, con đường hồi phục của các doanh nghiệp trong ngành lại vấp phải trở ngại lớn.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, chi phí nhiên liệu là thành phần chi phí lớn nhất của các hãng hàng không tại Việt Nam, lần lượt chiếm 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet trong giai đoạn 2015 - 2019. Giá nhiên liệu máy bay trong báo cáo tháng 1/2022 của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên giá dầu Brent là 86 USD/thùng. Tuy nhiên, do xung đột Ukraine - Nga, giá dầu Brent đã tăng lên 95 USD/thùng vào giữa tháng 2/2022 và 124 USD/thùng vào ngày 8/3/2022, đẩy giá dầu trung bình tính từ đầu năm tính đến ngày 8/3/2022 lên 93 USD/thùng, tăng vọt so với giả định trung bình năm 2022 là 70 USD/thùng được VCSC đưa ra trước đó.

“Chi phí nhiên liệu cao hơn có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không”, VCSC nhận định.

Giám đốc Tiếp thị truyền thông Hãng hàng không Vietravel Airlines Nguyễn Vũ Hoàng cho biết, thời điểm ngày 15/3/2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã lên mức 168,5 USD/thùng, tức gần gấp đôi giá nhiên liệu theo kế hoạch hãng đặt ra.

“Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng lên thì doanh thu của Vietravel Airlines cũng như nhiều hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu, chứ chưa nói đến các định phí khác”, ông Hoàng nói.

Nhiều chi phí phát sinh do khôi phục lại thị trường và phòng, chống dịch bệnh, giờ thêm chi phí xăng dầu tăng rõ ràng là thách thức lớn với các hãng.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, các hãng hàng không vừa trải qua hơn hai năm chịu tổn thất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Nhiều chi phí phát sinh do khôi phục lại thị trường và phòng chống dịch bệnh, giờ thêm chi phí xăng dầu tăng rõ ràng là thách thức lớn với các hãng.

Vietnam Airlines vừa có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng chính sách miễn thuế môi trường với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần hàng không cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Hiện tại, dòng tiền của các hãng hàng không đang gặp khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch. Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của Nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động... Chính vì thế, Vietravel

Airlines kiến nghị Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tín dụng/bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3 - 5 năm.

Vietravel Airlines cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (từ mức 7% hiện nay); đồng thời, điều chỉnh giảm thuế môi trường với xăng dầu về 1.000 đồng/lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.

Nỗ lực tối ưu hóa chi phí

Đối mặt với nhiều khó khăn, năm 2021, Vietnam Airlines báo lỗ 13.337 tỷ đồng. Trong khi Vietravel Airlines vẫn thua lỗ kể từ khi cất cánh đến nay. Riêng Vietjet báo lãi 100 tỷ đồng trong năm qua, tăng 46% so với năm 2020 nhờ tối ưu chi phí hoạt động theo giờ bay và giảm chi phí thuê tàu.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không như Vietjet còn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cho ngành hàng không, giảm 50% chi phí hạ cất cánh, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến hết năm 2022, giảm chi phí cảng và phục vụ mặt đất, các hãng chỉ trả theo mức tối thiểu.

Trước lo ngại giá vé máy bay có thể tăng trước áp lực chi phí lớn, ông Bùi Doãn Nề cho biết, các hãng hàng không đều đang tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí, cố gắng ổn định giá vé.

Tuy nhiên, theo ông Nề, việc tăng giá nhiên liệu có lý do khách quan và tại thị trường quốc tế, các hãng được phép phụ thu tương ứng khi giá nhiên liệu gia tăng bất thường hơn 20%.

Cùng với đó, để mở cửa du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn cần phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không sớm khởi động và phát triển thị trường du lịch trong nước, quốc tế, xây dựng gói dịch vụ hợp lý. Các ngân hàng cũng cần chia sẻ với khó khăn của hãng bay bằng cách tiếp tục cho vay với lãi suất hợp lý, hỗ trợ cho ngành hàng không sớm hồi phục, phát triển.

Các doanh nghiệp trong ngành tìm nhiều giải pháp để ứng phó với diễn biến của giá xăng dầu. Bamboo Airways cho biết đang nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Trong đó, hãng sử dụng đội máy bay tuổi đời thấp, được thiết kế tiết kiệm nhiên liệu và đa dạng chủng loại, với các tầm bay và tải trọng khác nhau cho phép linh hoạt điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp với từng chặng bay, qua đó tối ưu hóa nhiên liệu tiêu hao.

Vietnam Airlines và Vietjet cũng tiếp tục tối ưu chi phí, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến kết quả của doanh nghiệp.

Mùa hè năm nay được dự báo là giai đoạn các hoạt động du lịch, hàng không sôi động trở lại. Các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tiếp thị, khuyến mãi để tranh thủ thu hút khách hàng. Tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022 diễn ra từ 31/3 - 2/4 vừa qua, đã có 100.000 vé máy bay giá rẻ được mở bán, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Nếu như Vietnam Airlines có chính sách khuyến mại mua 3 tặng 1, hay Vietravel Airlines bán vé 8.000 đồng… Hãng không non trẻ Vietravel Airlines năm đầu tiên tham gia hội chợ du lịch cũng đã thu hút 3.000 lượt khách

Hiện các doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh năm 2022 nhưng kỳ vọng hoạt động sẽ sôi động hơn năm ngoái khi các đường bay nội địa và quốc tế đã được nối lại. Theo Google Destination Insights, Mỹ và châu Âu là khu vực có nhu cầu thông tin về chỗ ở và đi lại bằng đường hàng không đến Việt Nam cao nhất kể từ khi Việt Nam công bố mở cửa trở lại.

Được biết, các hãng đã và đang đẩy mạnh các chặng bay quốc tế. Vietjet Air vừa tung khuyến mại loạt vé bay Singapore chỉ từ 0 đồng (chưa bao gồm thuế phí) trong tuần lễ vàng từ 24/3 - 31/3/2022.

Trong khi đó, Vietravel Airlines xúc tiến làm việc với các cơ quan hàng không quốc tế để có thể mở rộng mạng lưới bay đến các thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á kể từ quý II/2022. Song song với kế hoạch mở rộng đường bay quốc tế, hãng đã làm việc với các đối tác bán/thuê tàu bay để nâng đội tàu lên 6 chiếc trong năm 2022.

VCSC nhận định, ngành hàng không trong nước phục hồi trong năm nay, chủ yếu được thúc đẩy bởi tỷ lệ tiêm chủng cao ở các trung tâm giao thông chính, các hạn chế được nới lỏng và nhu cầu đi lại bị kìm hãm.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục