Áp lực bán lan rộng, VHM không “cứu” được thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù VHM vẫn giao dịch khởi sắc nhưng áp lực bán trên diện rộng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Áp lực bán lan rộng, VHM không “cứu” được thị trường

Sau 4 phiên liên tiếp duy trì sắc xanh, VN-Index vẫn tiếp tục tiến bước trong phiên giao dịch sáng ngày 14/10, nhưng biên độ tăng thu hẹp đáng kể trong nửa cuối phiên sau khi chỉ số chung leo lên sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Thị trường tiếp diễn trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sắc đỏ tiếp tục lan rộng hơn khi bên bán gia tăng sức ép. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn khiến phần lớn các cổ phiếu không giảm quá mạnh, trong khi cổ phiếu nhà Vingroup, đặc biệt là VHM vẫn nỗ lực phát huy vai trò hỗ trợ thị trường, đã giúp VN-Index không đi quá xa. Chỉ số chung đã giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều và đóng cửa với mức giảm nhẹ 2 điểm.

Một phiên điều chỉnh nhẹ sau chuỗi 4 phiên khởi sắc liên tiếp là điều hết sức bình thường và thanh khoản thị trường khá sôi động với sức hút chính vẫn là các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, cho thấy niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư rằng VN-Index sẽ sớm chinh phục được ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 146 mã tăng và 222 mã giảm, VN-Index giảm 2,05 điểm (-0,16%) xuống 1.286,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 531,74 triệu đơn vị, giá trị 13.218,8 tỷ đồng, tăng 49,64% về khối lượng và 38,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 11/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 125,24 triệu đơn vị, giá trị 2.940,66 tỷ đồng.

Cổ phiếu VHM vẫn giao dịch khởi sắc và là má phanh chính ngắn đà giảm sâu hơn của thị trường. Kết phiên, VHM tăng 4% lên mức 45.350 đồng/CP, đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số chung, cùng thanh khoản sôi động, đạt 20,74 triệu đơn vị. Đây là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua của VHM.

Thông tin đã kích hoạt đà tăng mạnh của VHM chính là mới đây, Vinhomes thông báo dự kiến sẽ mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ 23/10 đến 22/11/2024. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Ngoại trừ VHM, cặp đôi cổ phiếu còn lại của nhà Vingroup là VIC và VRE đã không giữ được phong độ như phiên sáng trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi hơn, nhưng kết phiên vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0,8%.

Phần lớn các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều kém khả quan hơn so với phiên sáng và kết phiên chỉ số nhóm này cũng ghi nhận mức giảm gần 4 điểm, khi có tới 19 mã giảm và chỉ còn 8 mã tăng. Trong số các mã giảm, VJC, FPT, MWG đều nới rộng hơn biên độ với mức giảm quanh mức 1,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HHS vẫn nằm sàn với khối lượng dư bán sàn còn hơn 0,4 triệu đơn vị; trong khi TCH đã thoát được sắc xanh mắt mèo dù mức giảm vẫn khá lớn là 6,3%, kết phiên đứng tại mức giá 16.450 đồng/CP với thanh khoản lên tới hơn 35,1 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường.

Xét về nhóm ngành, bộ đôi lớn ngân hàng và chứng khoán đều đảo chiều giảm nhẹ. Trong nhóm ngân hàng chỉ còn MBB tăng 1,17% và STB tăng nhẹ 0,3%, cùng SHB, BID, MSB giữ được mốc tham chiếu, còn lại chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu EIB dù thu hẹp biên độ so với cuối phiên sáng nhưng vẫn dẫn đầu dòng bank khi giảm 4,5%, chốt phiên đứng tại mức giá 18.250 đồng/CP và khớp lệnh 42,67 triệu đơn vị.

Ngoài EIB, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng trong top giao dịch sôi động của thị trường như VPB khớp 22,65 triệu đơn vị; các mã MBB, SHB, TPB, STB, TCB đều khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VIX vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 47,4 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 3,4%; HCM, VCI, FTS, AGR, VND… cũng đều giảm nhẹ. Trong khi đó, một số mã ngược dòng thành công như SSI và CTS tăng nhẹ 0,7%, BSI tăng 0,2%.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì diễn biến giằng co nhẹ trong khoảng 30 phút mở cửa phiên chiều rồi nới nhẹ biên độ giảm do lực bán lan rộng hơn trên thị trường.

Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,28%) xuống 230,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,4 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 693 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,94 triệu đơn vị, giá trị 88,78 tỷ đồng.

Về vốn hóa, nhóm HNX30 phân hóa với 12 mã tăng và 12 mã giảm, kết phiên chỉ số này giảm 1,5 điểm. Trong đó, DHT giảm sâu nhất là 2,7%, một số cổ phiếu khác như CEO, PVS, HUT, NVB đều nới nhẹ biên độ và đóng cửa giảm hơn 1%; trái lại, L18 tăng tốt nhất là 1,7%, cùng PSD tăng 1,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, NRC kéo trần thành công, đóng cửa đứng tại mức giá 3.300 đồng/CP với thanh khoản đột biến, đạt 1,66 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng giao dịch phân hóa, trong đó, cổ phiếu SHS vẫn khởi sắc, đóng cửa tăng 1,3% lên 15.700 đồng/CP với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường, đạt hơn 6,7 triệu đơn vị; MBS tăng 0,7% và khớp 1,66 triệu đơn vị; VFS tăng nhẹ 0,8%...; còn BVS, APS, EVS… kết phiên trong sắc đỏ.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,24%) xuống 92,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,65 triệu đơn vị, giá trị 332,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,42 triệu đơn vị, giá trị 54,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ nhiệt sôi động với hơn 3,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, kết phiên giảm nhẹ 0,4%. Tiếp theo là HNG và BVB cùng khớp hơn 2,1 triệu đơn vị, kết phiên tương ứng tăng 4,3% và giảm 0,8%.

Điểm sáng là VGI kết phiên tăng 3,4% lên mức 69.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2410 giảm sâu nhất là 7,6 điểm, tương đương -0,6% xuống 1.359 điểm, khớp lệnh gần 210.940 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CMWG2314 khớp lệnh dẫn đầu khi có hơn 3,28 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,6% xuống 1.440 đồng/cq. Theo sau là CMBB2315 khớp hơn 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 1.730 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục