Tại Hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng viện công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đánh giá, hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia của Việt Nam tương đối ổn về đường truyền dẫn, công năng, tốc độ và giá cả. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin chưa được quan tâm đúng mức.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng cho hay, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh… tuy nhiên, đa số doanh nghiệp chưa thể đầu tư cho một nhân sự chuyên trách mảng công nghệ thông tin.
“Hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn về nhân lực và tài chính dẫn tới việc đầu tư cho một nhân sự chuyên trách mảng công nghệ thông tin là điều xa xỉ đối với các doanh nghiệp này. Thêm vào đó, nhân sự được đào tạo chuyên về công nghệ thông tin hiếm khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thường làm việc cho các doanh nghiệp chuyên ngành công nghệ hoặc các Công ty, Tâp đoàn lớn”, ông Thắng cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, TS Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho biết nhận thức được tầm quan trong của công nghệ thông tin trong chiến lược phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn và chủ động đầu tư, áp dụng những thành tựu của công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của công nghệ thông tin và vẫn còn đang loay hoay chưa tìm được mô hình công nghệ thông tin phù hợp với năng lực tài chính và mục đích của doanh nghiệp mình.
“Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng, triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin, VCCI sẽ phối hợp với các cơ quan, các trung tâm, viện nghiên cứu, các Tập đoàn Công nghệ, tăng cường sự hợp tác quốc tế và các nguồn lực xã hội, chung tay vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp. VCCI sẽ không đứng ngoài xu thế phát triển để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tư vấn cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh và tăng năng suất lao động”, ông Khương khẳng định.
Về phần mình, TS Nguyễn Trường Thắng cũng cho biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện điện tử hóa, Chính phủ đã định hướng cho doanh nghiệp thuê nhân sự công nghệ thông tin ngoài theo thời vụ. Theo ông Thắng, giải pháp này đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp, CEO cần phải ý thức được rõ nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải tự đổi mới mình theo trào lưu mới của xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng hơn.