“Lột xác” nhờ công nghệ thông tin

(ĐTCK) Bộ Tài chính đã giúp doanh nghiệp cắt giảm được 420 giờ nộp thuế (tương đương 52 ngày làm việc/năm), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bán được gần 200.000 vé tàu Tết chỉ trong 4 ngày là 2 trong số rất nhiều thành quả mà các DNNN có được nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
FPT hỗ trợ người dân mua vé tàu Tết 2016 FPT hỗ trợ người dân mua vé tàu Tết 2016

Những điểm sáng tích cực

Số liệu thống kê của Cục Tin học và Thống kê tài chính cho thấy, hiện ngành tài chính đã tin học hóa hơn 95% nghiệp vụ, với hơn 100 ứng dụng phần mềm được triển khai toàn ngành. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của ngành. Trong lĩnh vực thuế, tính đến tháng 8/2015, nhờ việc ứng dụng phần mềm kê khai thuế qua mạng, số giờ nộp thuế của các doanh nghiệp đã giảm 420 giờ/năm, thời gian kê khai thuế GTGT giảm 8 lần và thời gian kê khai thuế thu nhập tạm tính giảm 4 lần.

Hệ thống Quản lý thuế thu nhập cá nhân do FPT xây dựng cho Tổng cục Thuế từ năm 2009 đến nay đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, tại 63 cục thuế, hơn 700 chi cục thuế, quản lý hơn 20 triệu người nộp thuế. Hệ thống này đã hỗ trợ tối đa các chức năng cơ bản trong quản lý thuế thu nhập cá nhân từ việc đăng ký thuế, xử lý tờ khai, xử lý chứng từ, kế toán thuế, quản lý nợ thuế, kiểm soát thu nhập của cá nhân trên phạm vi toàn quốc và có khả năng xử lý khối lượng thông tin lớn.

Các đơn vị khác như hải quan, kho bạc… cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ việc ứng dụng CNTT. Nhờ ứng dụng Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS), Tổng cục Hải quan đã rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ thông quan xuống còn 1 - 3 giây, các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan được tích hợp trong một tờ khai hải quan duy nhất; công tác giám sát, quản lý hải quan được đảm bảo chặt chẽ.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Việt Nam (Petrolimex), tập đoàn này ghi nhận những thành quả từ việc ứng dụng CNTT vào quản trị doanh nghiệp (ERP) như: đảm bảo việc phân tích thông tin từ hệ thống dữ liệu tập trung tại công mẹ một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, kịp thời ra quyết định…

 

Thuê ngoài: lối ra cho con đường đổi mới

Mặc dù CNTT có vai trò rất lớn trong việc đổi mới với các DNNN, nhưng không phải đơn vị nào cũng có thể sẵn sàng ứng dụng mạnh mẽ. Bởi lẽ, quy trình xây dựng và phê duyệt dự án kéo dài (trung bình mất 1 - 2 năm); nhiều cơ quan không có đủ vốn; chưa có mô hình chuẩn để áp dụng đại trà ở Việt Nam. Những vướng mắc này khiến không ít DNNN, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giao thông khá rụt rè trong việc đưa ra quyết định đầu tư.

Đơn cử câu chuyện của ngành y tế. Nhiều năm qua, Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng kiến trúc tổng thể về y tế điện tử và CNTT đã được ứng dụng trong các khâu quản lý, khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế… Tuy nhiên, đến nay, chỉ số ứng dụng và phát triển CNTT của ngành còn thấp so với các ngành nghề khác, các hệ thống chưa liên thông cũng như chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu y học quốc gia.

Ngành giao thông cũng gặp bài toán nan giải tương tự. Trong nhiều năm qua, câu chuyện đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh, giải quyết tình trạng ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông bằng ứng dụng CNTT đã được đặt ra trong không ít các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của ngành. Ngay cả các công ty công nghệ cũng tuyên bố sẵn sàng vào cuộc cùng ngành giao thông, với hàng loạt giải pháp liên quan đến Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Tuy nhiên, đến nay, việc ứng dụng ITS mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Nguyên nhân đã tìm ra, vậy đâu sẽ là lời giải cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong DNNN? Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT gợi ý, dùng nguồn vốn xã hội hóa, giống như ngành giao thông đã huy động tới 160.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để triển khai 65 dự án, công trình hạ tầng giao thông. Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân đã giúp tối ưu hóa về chi phí, nguồn lực vận hành.

Ngành đường sắt cũng là một ví dụ điển hình. Kể từ khi có chủ trương đến khi chính thức đưa Hệ thống bán vé điện tử vào hoạt động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) chỉ mất 11 tháng. Đây là kết quả của việc ĐSVN đã sử dụng hình thức thuê ngoài khi triển khai dự án này. Nghĩa là, Tổng công ty không bỏ vốn đầu tư mà thuê, sử dụng hệ thống bán vé điện tử của FPT. Nhờ vậy, tốc độ bán vé của ngành đường sắt liên tục tăng so với các năm trước, người dân hưởng thêm nhiều tiện ích. Trong dịp mở bán vé tàu Tết 2016, chỉ trong 4 ngày đầu mở bán đã có hơn 200.000 vé tàu được bán ra (tốc độ bán vé tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Tại các “điểm nóng” như ga Sài Gòn, tình trạng tụ tập đông người mua vé hiện không còn. Thay vào đó, người dân có thể mua vé mọi lúc, mọi nơi, chỉ với thiết bị kết nối Internet.

Mô hình xã hội hóa như câu chuyện của ngành đường sắt đang được nhân rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tháng 3/2015, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 102/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tin học hóa trong bảo hiểm y tế theo hình thức xã hội hóa. Thực hiện chủ trương này, FPT đã bắt tay xây dựng Cổng giám định bảo hiểm y tế trực tuyến đầu tiên trên cả nước và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Trong 4 tháng, đã có hơn 700.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trên phần mềm mới do FPT cung cấp. Bên cạnh đó, phần mềm đã giúp cho Bảo hiểm xã hội Hải Phòng xây dựng kho cơ sở dữ liệu về chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tập trung, thống nhất, có công cụ trực tuyến hỗ trợ cho công tác giám định, thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất giao cho FPT và Hanel triển khai thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh theo mô hình xã hội hóa.

Như vậy, với xu thế và những ưu điểm vượt trội của mô hình thuê ngoài, những vướng mắc mà các DNNN đang gặp phải trong việc đầu tư phát triển CNTT sẽ sớm được giải quyết. Câu chuyện đổi mới của các DNNN vì vậy cũng sẽ sớm đi vào thực tế.

Hoàng Trang - Minh Thanh
Chuyên đề Tái cơ cấu DNNN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục