Áp dụng công nghệ giảm bồi thường và bài toán chi phí

(ĐTCK) Đã xuất hiện khả năng hướng hợp tác ba bên giữa nhà bảo hiểm – công ty công nghệ - doanh nghiệp vận tải trong giảm thiểu tai nạn giao thông.
Việc cảnh báo sớm nguy cơ đâm va sắp xảy ra cho tài xế đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm Việc cảnh báo sớm nguy cơ đâm va sắp xảy ra cho tài xế đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm

Tại Hội thảo “Giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội xe vận tải” do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức mới đây, ông Amer Subhi, Giám đốc kinh doanh Công ty Mobileye khu vực Đông Nam Á đã giới thiệu công nghệ chống đâm va Mobileye.

Theo ông Amer Subhi, công nghệ này là giải pháp thành công cho mô hình hợp tác ba bên giữa doanh nghiệp vận tải, đơn vị sở hữu đội xe vận tải với các công ty bảo hiểm, ngân hàng và các nhà cung ứng công nghệ quản trị đội xe. Trên thực tế, giải pháp liên quan đến tai nạn giao thông tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể thiếu bộ ba mối quan hệ trên.

Theo Mobileye, trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm trong triển khai công nghệ này tại các nước, việc cảnh báo sớm nguy cơ đâm va sắp xảy ra phía trước cho tài xế trên đường đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm. Kết quả nghiên cứu của Công ty Bảo hiểm AXA, Pháp cho thấy, việc cảnh báo sớm 1,5 giây có thể ngăn chặn 90% các vụ đâm va vào đuôi xe và cảnh báo sớm 2 giây có thể ngăn chặn gần hết các vụ tai nạn giao thông.

Tại Hội thảo, đại diện Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đồng quan điểm cho rằng, nếu được áp dụng tại Việt Nam, công nghệ này không chỉ giám sát được hành vi của người tài xế, cảnh báo nguy cơ đâm va sắp xảy ra phía trước cho tài xế trên đường, mà còn giảm thiểu rủi ro cho cả các hãng bảo hiểm.

Vị này khẳng định, với kinh nghiệm trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới, PTI sẽ tích cực hợp tác với các nhà cung ứng công nghệ quản trị đội xe về dữ liệu tai nạn, dữ liệu các tuyến đường để xây dựng hệ thống công nghệ chống đâm va, cũng như các doanh nghiệp vận tải trong quản lý chống đâm va.

“Trước mắt, chúng tôi có thể triển khai thí điểm lắp đặt trên một số đội xe của khách hàng đang sử dụng bảo hiểm tai nạn xe cơ giới của PTI, từ đó, đưa ra so sánh với đội xe không được áp dụng để đánh giá hiệu quả trong thực tế”, vị đại diện trên cho hay.

Về vấn đề này, ông Amer Subhi cho biết sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, giống như đã từng hợp tác với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Israel cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm tại các nước trong ứng dụng công nghệ này trên 20 triệu xe.

Trong bối cảnh tai nạn giao thông ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối trong xã hội, khiến tỷ lệ bồi thường tại các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cao, một số hãng bảo hiểm cho biết, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để ngăn ngừa và hạn chế tai nạn giao thông tại Việt Nam hiện nay là cấp thiết.

Sáu tháng đầu năm 2017, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ước bồi thường lên tới 2.823 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bồi thường trên doanh thu là 43%.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề với Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp vận tải bày tỏ quan ngại về chi phí, tính khả thi khi ứng dụng công nghệ chống đâm va với đặc thù giao thông ở Việt Nam, dù Mobileye đưa ra tỷ lệ xe đòi bồi thường từ các doanh nghiệp bảo hiểm tại Israel đã giảm tới 57%.

Với e ngại này, ông Amer Subhi cho biết, đây là hệ thống có thể tự điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với môi trường giao thông của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Về giá thành, Mobileye đang tìm đối tác chiến lược để từng bước nội địa hóa công nghệ này tại Việt Nam, tìm cách chuyển giao công nghệ để giảm chi phí, có mức giá phù hợp với thị trường Việt Nam. Đối với các đơn vị vận tải có nhu cầu, Mobileye sẵn sàng hỗ trợ tài chính và kĩ thuật, triển khai thí điểm lắp đặt trên một số đội xe của doanh nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp hiện có, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng mong mỏi các nhà cung ứng công nghệ cần sớm phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan đánh giá lại và chốt phương án tối ưu để giảm rủi ro về tai nạn giao thông, góp phần giảm bồi thường bảo hiểm.          

Năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. Trong đó, 66,7% là do mô tô, xe máy; ô tô chiếm 27,07%. Năm 2017, dự báo số lượng xe ô tô tại Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2016, tương đương 350.000 xe, nâng tổng số lượng xe ô tô tham gia giao thông là gần 3,9 triệu chiếc. Mục tiêu năm 2020 sẽ giảm 50% số lượng tai nạn giao thông so với hiện nay (theo Ủy ban An toàn giao thông)

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục