Khó áp dụng từ ngày 1/1/2016
Trao đổi với ĐTCK, phụ trách mảng kế toán, tài chính của một DNBH cho biết, dù được ban hành kịp thời (ngày 19/12/2014) nhằm hướng dẫn chi tiết về chế độ kế toán mang tính đặc thù áp dụng cho các DNBH nhân thọ, tái bảo hiểm, nhưng Thông tư 199 lại có những hướng dẫn khác nhau cho cùng một nội dung cụ thể so với Thông tư 200/2014/TT-BTC (Thông tư 200).
Cần nói thêm rằng, Thông tư 200 hướng dẫn chế độ kế toán cho mọi đối tượng DN (bao gồm DNBH nhân thọ), được ban hành ngày 22/12/2014, có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015, những quy định trái với thông tư này đều bãi bỏ. Còn Thông tư 199 hướng dẫn áp dụng các điểm đặc thù hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đối với nội dung chưa được hướng dẫn tại Thông tư 200.
“DNBH nhân thọ sẽ không thể đáp ứng đúng thời điểm áp dụng của Thông tư 199 kể từ ngày 1/1/2016 do phải chuyển đổi ngay sau khi kết thúc năm 2015”- lãnh đạo một DNBH nhân thọ lớn cho biết.
Cụ thể, các DNBH dẫn chiếu, đó là quy định về cách trình bày báo cáo tài chính, thuyết minh chi tiết đối với tài sản đầu tư , mã số và nội dung các khoản mục báo cáo giữa hai thông tư; một số tài khoản thuộc hệ thống tài khoản, đặc biệt là tài khoản dùng để hạch toán các tài sản đầu tư. Ngoài ra, cơ sở định giá cũng không thống nhất khi hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ mua bán tài sản đầu tư, ví dụ như mua bán chứng khoán kinh doanh.
Trong khi đó, các DNBH phải mất nhiều tháng để chuẩn bị và chuyển đổi hệ thống kế toán máy, các thủ tục, quy trình kế toán khi triển khai bất cứ các quy định mới về chế độ kế toán mới.
“DNBH nhân thọ sẽ không thể đáp ứng đúng thời điểm áp dụng của Thông tư 199 kể từ ngày 1/1/2016 do phải chuyển đổi ngay sau khi kết thúc năm 2015”, lãnh đạo một DNBH nhân thọ lớn cho biết.
Trước khúc mắc trên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã có công văn 119/HHBH/2015 kiến nghị gửi Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) hướng dẫn áp dụng các nội dung thiết lập hệ thống báo cáo theo mẫu quy định tại Thông tư 200 và hiệu lực áp dụng thay đổi tính từ 1/1/2016 để các DNBH nhân thọ áp dụng một cách thống nhất, tránh tốn kém về chi phí và công sức.
Ngoài ra, các DNBH nhân thọ cũng mong muốn sớm ban hành một tài liệu tổng hợp sự thay đổi giữa 2 thông tư nói trên, đặc biệt là về hệ thống tài khoản, mã số tài khoản và báo cáo tài chính để thuận tiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, các DNBH có thể tra cứu chéo, theo dõi giữa 2 thông tư.
Lưu trữ chứng từ bảo hiểm bằng hình thức điện tử
Liên quan đến lưu trữ chứng từ, với đặc thù hoạt động của khối này chủ yếu là các hợp đồng bảo hiểm dài hạn, nhiều năm (từ 10 năm đến trên 20 năm), kèm theo số lượng khá nhiều các khách hàng hiện tại, chứng từ lưu trữ phải thực hiện bằng giấy và lưu trữ theo quy định, gây ra sự tốn kém cả về không gian, công sức, chi phí... Bởi vậy, các DNBH nhân thọ đề xuất ban hành các quy định về việc lưu trữ chứng từ bằng các tập tin điện tử, hoặc các hình ảnh điện tử.
“Những tốn kém trong lưu trữ hồ sơ bằng giấy sẽ gây tăng phí bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm và sẽ là một gánh nặng chi phí lớn đối với cả người tham gia bảo hiểm nhân thọ lẫn DNBH nhân thọ khi trong tương lai, khối doanh nghiệp này sẽ phải quản lý đến hàng chục triệu hợp đồng bảo hiểm khi duy trì mức tăng trưởng hàng năm như hiện nay (xấp xỉ 20%/năm).
Được biết, khi Thông tư 199 còn ở dưới dạng dự thảo, Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cũng đã dành thời gian nghiên cứu nội dung này trên cơ sở đặc điểm hoạt động thực tế kinh doanh của các DNBH, nhưng cuối cùng vẫn chưa được quy định tại Thông tư 199”, đại diện AVI cho biết.
Bởi thế, cũng tại công văn 119/HHBH/2015, AVI kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành các quy định về việc lưu trữ chứng từ bằng các tập tin điện tử, hoặc các hình ảnh điện tử nhằm nâng cao lợi ích của người tham gia bảo hiểm và tăng hiệu quả hoạt động của các DNBH nhân thọ Việt Nam hiện nay.