Ảnh hưởng từ biến động của kinh tế vĩ mô lên TTCK

(ĐTCK-online) Sự biến đổi, phát triển của nền kinh tế vĩ mô có tác động không nhỏ lên TTCK. Nhà đầu tư nắm vững sự vận hành của nền kinh tế và các chính sách từ phía Nhà nước, như chính sách về tiền tệ, động thái điều tiết nền kinh tế từ phía Chính phủ, sẽ xác định được thời điểm phù hợp tham gia đầu tư vào TTCK. Bên cạnh đó, TTCK cũng thể hiện tính hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Có cái nhìn khái quát và sâu rộng toàn cảnh nền kinh tế sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đưa ra quyết định thời điểm tham gia vào thị trường, cũng như cân nhắc khoản đầu tư đó phù hợp với chiến lược đầu tư ngắn hay dài hạn.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế là yếu tố quyết định giá trị của doanh nghiệp trên TTCK. Theo đó, giá trị cổ phiếu gắn liền với giá trị của doanh nghiệp, do tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào sự vận hành của nền kinh tế. Nền kinh tế thường được đánh giá qua các chỉ tiêu chính như chỉ tiêu tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc dân (GNP), tổng sản phẩm nội địa (GDP)… Khi nền kinh tế vận hành tốt, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng khả quan, dẫn đến giá cổ phiếu trên TTCK cũng tăng theo. Trong khi đó, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp và giá chứng khoán.

Cụ thể, mối quan hệ giữa thực trạng của nền kinh tế với TTCK thể hiện rõ qua từng giai đoạn của nền kinh tế. Ở giai đoạn nền kinh tế phát triển thì giá cổ phiếu tăng mạnh, giá cổ phiếu sụt giảm khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Qua các phương pháp đánh giá của nền kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư có thể đi trước một bước trong quyết định đầu tư của mình. Điều này thể hiện qua việc giá cổ phiếu luôn đi trước một bước so với những biến chuyển của nền kinh tế. Giá cổ phiếu trên thị trường cũng là dấu hiệu đo sức khoẻ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cổ phiếu của các ngành khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế khác nhau. Để đưa ra quyết định đầu tư cho mình, trước hết nhà đầu tư cần có một cái nhìn sâu rộng về toàn cảnh nền kinh tế trong từng thời kỳ và những biện pháp can thiệp từ phía Chính phủ nhằm đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế, mà kết quả của nó ảnh hưởng đến các ngành nghề cụ thể nằm trong danh mục đầu tư của mình. Trong đó, sự can thiệp về chính sách tiền tệ cụ thể là thắt chặt lưu thông tiền tệ và lạm phát tiền tệ có tác động trực tiếp vào dòng tiền chảy vào chứng khoán.

Chúng ta đã chứng kiến cơn bão tài chính toàn cầu năm 2008 tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Để vận hành hiệu quả nền kinh tế, kiềm chế lạm phát cao, hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ, siết chặt tín dụng được ban hành đã gây nên sự khan hiếm nguồn tiền mặt. Lãi suất tăng mạnh, nguồn vốn phục vụ cho sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước trở nên đắt đỏ. Các doanh nghiệp phải đối đầu với nguy cơ phá sản và giá cổ phiếu trên TTCK sụt giảm nghiêm trọng là hệ quả tất yếu của sự đi xuống của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động phức tạp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến của kinh tế vĩ mô để có quyết định đầu tư phù hợp, hạn chế rủi ro, đồng thời chớp lấy các thời cơ xuất hiện để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội - HSSC

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,238.69 -6.01 -0.49% 83,553 tỷ
HNX 235.87 0.19 0.08% 925 tỷ
UPCOM 91.57 -0.16 -0.17% 445 tỷ