Ảnh hưởng bởi dịch Covid, đề xuất nộp chậm phí bảo hiểm nhân thọ lên thành 91 ngày

(ĐTCK) Tập đoàn Prudential (Philipines) vừa thông báo sẽ cộng thêm 31 ngày vào 30 ngày ân hạn đóng phí dành cho khách hàng đã tham gia bảo hiểm, nâng tổng số ngày ân hạn đóng phí (nộp phí chậm- PV) lên con số 61 ngày.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid, đề xuất nộp chậm phí bảo hiểm nhân thọ lên thành 91 ngày

Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng của Prudential tại Phillipines đang áp dụng dưới mức 61 ngày thì sẽ điều chỉnh cho đủ 61 ngày.

“Sức khỏe và sự an toàn của khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Prudential hiểu khách hàng cần sự an tâm và quan trọng hơn là được tiếp tục bảo vệ trong mùa dịch Covid19. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh khách hàng đang đối phó, nên chúng tôi nới rộng thời gian ân hạn đóng phí cho khách hàng để chia sẻ gánh nặng tài chính và suy sụp tinh thần của khách hàng trong thời gian khó khăn này”, thông cáo phát đi từ Tập đoàn này cho hay.

Nên xem xét chậm nộp phí

Còn tại Việt Nam, bác sĩ  Nguyễn Thị Quỳnh Mai, chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ cho rằng, tuy các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang áp dụng 60 ngày ân hạn đóng phí, nhưng nếu giờ có động thái gia hạn thêm 31 ngày thì rất tốt cho đôi bên.

Nếu gia hạn thêm thì tổng số thời gian gia hạn nộp phí cho khách hàng lên tới con số 91 ngày (thay vì 60 ngày như hiện nay).

Những lợi ích được hưởng, theo bà Mai, đó là công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sẽ không có hợp đồng mất hiệu lực vì lý do Covid-19, nhất là hợp đồng mới mua 1-2 năm chưa có giá trị hoàn lại/giá trị tài khoản. Còn khách hàng sẽ nhìn thấy sự chia sẻ của các công ty bảo hiểm nhân thọ đối với khách hàng trong mùa dịch toàn cầu.

Đề xuất trên cũng được các chuyên gia và các đại lý bảo hiểm nhân thọ hưởng ứng.

Ông Nguyễn Đức Thắng, chuyên gia bảo hiêm cho biết: “Đa số doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đều áp dụng thời gian gia hạn đóng phí là 60 ngày cho khách. Đây là một quy định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam. Các nước phát triển thì áp dụng là 30 ngày và mới vừa có một số công ty quyết định tăng lên 61 ngày để giúp đỡ khách hàng. Do đó, nên xem xét tăng thời gian gia hạn đóng phí (ân hạn) từ 60 ngày lên 90 ngày cho khách hàng tại Việt Nam”.

Lý do, theo ông Thắng là bởi điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam khác các nước, trong tình hình đại dịch đang diễn ra như hiện nay, Việt Nam chọn phương án cách ly, cô lập để dập dịch khiến nhiều khu vực bị phong tỏa. Đến hôm nay, đã mở rộng phong tỏa diện rộng ảnh hưởng cực kỳ lớn đến công ăn việc làm của người dân. Việc phong tỏa, cách ly là cần thiết, tạm khoan bàn về này, nhưng điều này cũng ảnh hưởng nặng đến kinh tế của người dân ngay trước mắt.

“Với đặc thù kinh tế Việt Nam, sau khi dịch kết thúc, cũng cần có thời gian để phục hồi, có thể kéo dài lđến cuối năm. Việc gia hạn đóng phí không có nghĩa là miễn đóng phí, mà chỉ là cho khách hàng được nợ phí miễn lãi trong một khoảng thời gian nhất định, lên 91 ngày thay vì 60 ngày như hiện tại nhằm san sẻ với khó khăn của người người Việt Nam đồng thời là người đã mua bảo hiểm đang lâm vào cảnh đình trệ công ăn việc làm”, ông Thắng nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc kéo dài thêm thời gian gia hạn đóng phí là một cách làm hợp lý để doanh nghiệp bảo hiểm chúng tay cùng Chính phủ và nhân dân chống dịch, qua đó góp phần giữ tỷ lệ duy trì hợp đồng cho chính doanh nghiệp bảo hiểm.

Có một vài đại lý bảo hiểm cũng bộc bạch, nhiều khách hàng đã mua bảo hiểm, đặc biệt là những khách hàng làm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, trường tư thục, dịch vụ du lịch, nông sản, mua bán nhỏ lẻ … đang gặp khó khăn, nên cũng mong các công ty bảo hiểm tại Việt Nam nâng thời gian nộp chậm phí cho khách hàng.

Đại lý bảo hiểm nhân thọ Nguyễn Thu Trang phân trần: “Trước đó, các công ty bảo hiểm đã có hành động nhân văn khi ra văn bản cam kết chi trả cho rủi ro do SARS- COV- 2, giờ nếu thêm thời gian gia hạn nộp phí nữa thì sẽ rất tốt bởi nếu chỉ vì dịch Covid mà khách hàng chậm nộp phí có thể khiến các đại lý mất thưởng”.

Tất nhiên cũng có ý kiến e ngại với nhận thức của dân mình thì liệu có thành tiền lệ nộp phí chậm và thói quen ỷ lại không, do đó chỉ ấn định việc nộp chậm trong 1 thời hạn nhất định và cho một số đối tượng cụ thể.

Chưa kể, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, không phải công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng tự quyết được việc gia hạn này mà phải xin ý kiến tập đoàn mẹ ở nước ngoài do CEO tại Việt Nam từng có mức rủi ro cao trước đó thì vẫn phải xin ý kiến, nên việc xin nộp chậm phí không phải muốn làm là làm ngay được.

Theo quy định, không đóng phí bảo hiểm có thể dẫn đến việc mất hiệu lực hợp đồng bảo hiểm. Do đó, khách hàng phải đóng đủ phí mới được đảm bảo quyền lợi theo cam kết. Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm cần đóng những khoản phí bảo hiểm đầy đủ và đều đặn hàng kỳ cho công ty bảo hiểm.

Nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm khi đến hạn, công ty sẽ áp dụng thời gian gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày kể từ ngày đến hạn đóng phí giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị và hoàn thiện phí. Trong thời gian gia hạn đóng phí, hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực, tức là người tham gia vẫn nhận được quyền lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian này.

Tuy nhiên, những khoản phí vẫn không được đóng khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí sẽ xảy ra một trong hai trường hợp:

  • Một là hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại (thông thường là dưới 2 năm hợp đồng) thì hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực do công ty bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng (theo Luật kinh doanh bảo hiểm).
  •  
  • Hai là khi hợp đồng có giá trị tài khoản hợp đồng bao gồm bảo tức tích lũy (nếu có), lãi tích lũy (nếu có), quyền lợi tiền mặt tích lũy (nếu có) và trừ đi khoản nợ nếu có thì sẽ được công ty bảo hiểm sẽ tự động khấu trừ phí bảo hiểm hàng kỳ từ giá trị tài khoản hợp đồng. Nếu giá trị tài khoản hợp đồng nhỏ hơn phí bảo hiểm của kỳ đóng phí hiện tại thì hợp đồng bảo hiểm tự động chuyển sang kỳ đóng phí ngắn hơn (theo tháng) để tiếp tục đóng phí. Cho đến khi giá trị tài khoản hợp đồng còn lại trừ đi khoản nợ nếu có mà không đủ đóng phí kỳ hiện tại thì hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực kể từ khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục