Anh chính thức thông qua Brexit

(ĐTCK) Dự luật thực hiện thỏa thuận Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU, hay còn gọi là Brexit đã chính thức trở thành luật vào thứ Năm (23/1) sau khi được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Việc Nữ hoàng Anh phê chuẩn dự luật thành luật đã mở đường cho Anh rời khỏi EU vào tuần tới sau nhiều năm tranh cãi và trì hoãn. Brexit dự kiến bắt đầu lúc 23h ngày 31/1, sau cuộc bỏ phiếu thông qua tại Nghị viện EU ngày 29/1.

Trước đó, dự luật đã được nghị viện Anh bỏ phiếu thông qua vào ngày thứ Tư, sau hơn 3 năm tranh cãi gay gắt về cách thức, thời điểm và ngay cả khi Brexit nên diễn ra.

Sau đó, Anh sẽ bắt đầu đàm phán các điều kiện về thỏa thuận thương mại và chia sẻ từ dữ liệu cho tới vùng đánh bắt với 27 thành viên còn lại trong liên minh. Các cuộc đàm phán chính thức nhiều khả năng bắt đầu kể từ tháng 3.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt hạn chót đạt được thỏa thuận với EU vào cuối năm 2020, thay vì 2022 như dự luật trước đó. Theo ông Johnson, thỏa thuận sẽ phải được ký vào giữa tháng 10 để dành thời gian cần thiết để dịch hiệp ước sang 23 ngôn ngữ chính thức của EU và nhu cầu phê chuẩn trong nghị viện của khối trước khi kết thúc năm 2020. Tuy nhiên, EU cho biết, một thỏa thuận toàn diện mất nhiều thời gian hơn.

Một nhà ngoại giao cấp cao hôm thứ Năm cho biết, ông hy vọng sẽ có ít tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu và Anh trong những tháng tới, và sẽ chỉ còn vài tuần nữa sau kỳ nghỉ hè Brussels để có được một thỏa thuận xuyên suốt.

“Thông thường, tại EU, mọi thứ không được xúc tiến nhanh cho đến khi có một cuộc khủng hoảng thực sư”, nhà ngoại giao này nói.

Các nhà ngoại giao cho biết, một thỏa thuận sẽ phải bao gồm các thỏa thuận về hàng không, vận tải và thủy sản. Đây một vấn đề nhức nhối về chính trị và London có thể chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán, vì sau Brexit, các tàu đánh cá từ các nước EU sẽ không còn có thể hoạt động ở nước Anh như hiện tại.

Bế tắc trong việc tìm một thỏa thuận Brexit với EU đã khiến cựu Thủ tướng Theresa May ra đi và thay thế bởi ông Johnson. Cũng giống người tiền nhiệm, ông Johnson cũng gặp trở ngại tại Quốc hội, nhưng tân Thủ tướng Anh đã có cách xử lý cứng rắn, rứt khoát với Brexit khi yêu cầu tổng tuyển cử sớm. Đề xuất này đã được thông qua và trong cuộc bỏ hiếm hồi tháng 12/2019, Đảng Bảo thủ của ông Johnson đã chiến thắng áp đảo, mở đường cho Luật Brexit hiện nay.

T.Lê
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục