Mặc dù xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam rất lớn, nhưng giá trị kim ngạch cho từng tấn hàng, từng loại sản phẩm còn rất thấp do chủ yếu xuất thô là chính. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường trên thế giới.
Đây là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Hợp tác Việt - Anh và kinh nghiệm sáng tạo trong ngành công nghiệp thực phẩm” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc (BBGV) tổ chức ngày 14/3.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch VCCI cho biết, với việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia vào TPP, tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu ngành thực phẩm là rất lớn.
"Hiện có ít nhất 50 văn bản hướng dẫn thực thi quy định nội dung khác nhau về an toàn thực phẩm. Còn theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc, với phương pháp nộp hồ sơ thông qua Internet, doanh nghiệp xuất khẩu phải mất từ 7-30 ngày để có được"
Đánh giá chung về ngành thực phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, năm 2015, nông sản và thực phẩm Việt Nam đã xuất khẩu ra 120 nước và vùng lãnh thổ, với doanh số xấp xỉ 40 tỷ USD. Một số sản phẩm ở Top 10 thế giới như chè, hạt tiêu, cà phê, thủy sản…
Mặc dù thành tích phấn khởi nhưng tiềm năng của ngành thực phẩm Việt Nam còn rất lớn, theo ông Phong, còn những rào cản nhất định, cụ thể trong việc đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và các quy định về tồn dư kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật của các nước châu Âu, trong đó có Anh Quốc.
Ngoài ra, hiện nay có thể nói quy mô sản xuất của Việt Nam chưa đáp ứng được quy mô tập trung lớn nên đôi khi các lô sản phẩm chất lượng không đồng đều.
Ông Phong khuyến cáo doanh nghiệp nên tập trung phát triển các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất an toàn để ngoài phục vụ thị trường trong nước thì có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường thế giới.
Về kế hoạch thực hiện, ông Phong cho biết, đối với thực phẩm chế biến sẵn, hiện nay Việt Nam đã có những nhà máy, hệ thống quản lý thực phẩm tiên tiến được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế, ví dụ như “hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn”- thay vì quản lý kiểm nghiệm chất lượng cuối cùng thì đưa vào hệ thống quản lý cả quá trình.
Ngoài khó khăn nội tại của doanh nghiệp, tại Hội thảo, ông Eddiee O’shea, luật sư Công ty luật Hogan Lovells International LLP đặt ra vấn đề luật An toàn thực phẩm của Việt Nam.
Vị luật sư này cho rằng, Việt Nam hiện chưa có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và tập trung về an toàn thực phẩm, trách nhiệm quản lý phân tán ra các bộ, ngành khác nhau.
Theo ông Eddiee O’shea, hiện có ít nhất 50 văn bản hướng dẫn thực thi quy định nội dung khác nhau về an toàn thực phẩm. Còn theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc, với phương pháp nộp hồ sơ thông qua Internet, doanh nghiệp xuất khẩu phải mất từ 7-30 ngày để có được sự phê duyệt của Cục an toàn thực phẩm Việt Nam.