Án hình sự thường vô giá trị với ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Có một thời kỳ, giới quản lý một số ngân hàng có vẻ ưa thích xử lý hình sự các hậu quả kinh doanh.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Khách hàng chây ỳ trả nợ, ngân hàng dọa và tố cáo thật ra công an. Nhân viên sai phạm, ngân hàng cũng lập tức đề nghị xử lý hình sự. Nội bộ ngân hàng tranh chấp, ngân hàng cũng đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Các vụ án hình sự cứ thế mà xảy ra trong giới ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngân hàng đã thu được gì từ những vụ án hình sự?

Ngân hàng được gì từ những bản án hình sự?

Trước hết, nói về việc xử lý khắc phục các hậu quả thiệt hại bằng bản án hình sự. Các bản án hình sự thường tuyên buộc những can phạm chiếm đoạt tiền phải bồi hoàn toàn bộ thiệt hại cho ngân hàng.

Tuy nhiên, thực tế khả năng thu hồi nợ xấu từ những phán quyết hình sự mang lại một dấu hỏi cho giới ngân hàng. Trong khi không làm rõ được số tiền chiếm đoạt bị cáo đã sử dụng ra sao, hiện ở đâu và khả năng thu hồi như thế nào, thì chính bản án lại tuyên bị cáo phải bồi hoàn đến hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng. Ngân hàng khó mà trông chờ thi hành án được từ những phán quyết như vậy, khi mà năng lực thi hành án của can phạm gần như không được chỉ ra.

Điều mà ngân hàng cần biết là nguồn tiền chiếm đoạt đang ở đâu? làm cách nào để thu hồi về cho ngân hàng, thì bản án hình sự cũng không biết. Cuối cùng, nhiều ngân hàng đã phải xử lý hậu quả thiệt hại bằng việc trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận trước thuế để bù đắp.

Thiệt hại phát sinh từ kinh doanh cuối cùng vẫn được xử lý bằng phương án bù đắp rủi ro trong kinh doanh. Điều mà nếu sáng suốt ngân hàng sẽ biết rằng mình có thể tự xử lý mà không cần đến một bản án hình sự.

Nói về mặt cải thiện chất lượng nhân sự của ngân hàng, vụ án hình sự có giúp ngân hàng cải thiện chất lượng nhân sự qua những hình phạt răn đe nghiêm khắc?

Ai gây nên hậu quả và có sai phạm, người đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nguyên tắc đó đúng, nhưng suy cho cùng, sai hay đúng thì chỉ nên dừng việc xem xét ở góc độ quan hệ lao động.

Bản án hình sự thường lấy đi nhân sự của ngành ngân hàng và cũng thường nằm ngoài ý chí của chính ngân hàng. Xã hội không vì những bản án hình sự dành cho nhân viên ngân hàng mà có cái nhìn an tâm hơn, thiện cảm hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Ngược lại, xét tận cùng trong nguyên nhân xảy ra hậu quả thiệt hại, bao giờ cũng có lỗi của ngân hàng như giao chỉ tiêu cao quá, quản lý rủi ro kém quá, buông thả quá. Ngân hàng là nghề kinh doanh rủi ro, rủi ro cao lợi nhuận càng cao và trách nhiệm quản lý rủi ro trước tiên phải thuộc về ngân hàng.

Lợi nhuận kiếm được thuộc về ngân hàng, nên hậu quả từ quản trị rủi ro kém cũng nên thuộc về ngân hàng. Đúng ra, khi nhân viên làm ra doanh số cao, ngân hàng khen thưởng, khi để xảy ra hậu quả, thì ngân hàng chỉ nên phạt bằng các hình thức kỷ luật lao động.

Điều đáng nói là vì vụ án hình sự mà nhiều ngân hàng còn phải chứng kiến nhân sự của mình rơi vào tình trạng kêu oan vì những nghịch lý oan sai. Nhiều vụ án hình sự phát sinh những nghịch lý mà các luật sư chỉ ra tại các phiên Toà, khi mà hội đồng xét xử loay hoay và không làm rõ được tính đúng – sai của một vấn đề pháp lý.

Quá nhiều cán bộ ngân hàng không hề tư lợi, tham ô trong giao dịch nhưng vẫn khoác lên vai bản án mười mấy năm tù. Điều này gây nên sự kinh hãi cho giới ngân hàng khiến cho những cán bộ ngân hàng đương chức không dám làm dám chịu, rụt rè, kìm hãm các ý tưởng, hạn chế thực thi các sáng kiến hữu ích.

Hình sự cần hiểu đúng là sân chơi giữa Nhà nước và công dân về một luật chơi nghiêm khắc nhất mà Nhà nước đặt ra. Một khi đã vi phạm luật chơi, công dân sẽ nghiễm nhiên bị xử lý. Khi một nhân viên ngân hàng bị khởi tố, thì cho dù ngân hàng có làm bao nhiêu lá đơn giải trình hay kêu cứu cho nhân viên của mình đi nữa, thì quyết định cuối cùng vẫn không thuộc về ngân hàng.

Vậy bài học kinh nghiệm là gì?

Có ý kiến cho rằng bài học từ những vụ án liên quan đến ngành ngân hàng sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý của ngân hàng. Xin thưa rằng, giới ngân hàng không cần đến những bản án hình sự để răn dạy mình cách quản lý ra sao, mà tự bản thân ngân hàng trong quá trình phát triển luôn nghiên cứu ứng dụng phát triển các kỹ thuật quản lý nội bộ.

Ngược lại, trong nhiều vụ án cán bộ ngân hàng đã vất vả giải trình như đánh vật chỉ để các thẩm phán hiểu được một phần quy trình nghiệp vụ của ngành ngân hàng. Giải trình không khéo, có khi làm phát sinh các trách nhiệm liên đới đến nhiều bộ phận khác nhau trong chuỗi hành vi tác nghiệp phức tạp của ngân hàng.

Trong nhiều vụ án hình sự về ngân hàng, cùng một quy định pháp luật nghiệp vụ, thì ngân hàng hiểu một kiểu, cơ quan tố tụng hiểu một kiểu. Cuối cùng quy định pháp luật đã bị biến đổi ý nghĩa bởi bản án hình sự và khiến cho càng nhiều bản án hình sự, vấn đề pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng càng trở nên phức tạp.

Án văn trong nhiều bản án hình sự liên quan đến ngân hàng thường có câu: Ngân hàng phải tăng cường sự rà soát các quy định của pháp luật, giám sát, kiểm tra trong các hoạt động của mình, đặc biệt là việc cấp tín dụng để hạn chế những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai...

Cũng giống như lời văn khá hùng hồn, sáo rỗng, giá trị thiết thực mà các bản án hình sự mang lại cho ngân hàng không nhiều. Do vậy bài học kinh nghiệm ở đây là gì? Án hình sự thường vô giá trị đối với ngân hàng!

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục