Bất ngờ vướng tranh chấp
Thông tin vụ việc tranh chấp được báo chí đăng tải như sau:
Năm 2019, một Công ty sản xuất phim liên hệ với một ca – nhạc sĩ để xin phép sử dụng ca khúc do người này sáng tác (nhạc sĩ) trong bộ phim do Công ty sản xuất và sắp công chiếu. Hai bên đã tiến hành ký kết hợp đồng về việc Công ty được quyền sử dụng ca khúc và phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Nhạc sĩ đã cung cấp cho Công ty giấy chứng nhận do Cục Bản quyền tác giả cấp ghi nhận ông là tác giả duy nhất của ca khúc.
Một thời gian sau khi bộ phim được công chiếu, Công ty sản xuất phim nhận được thông báo bị người khác khởi kiện do vi phạm quyền tác giả. Theo đó, người khởi kiện cho rằng ca từ của ca khúc nêu trên được lấy từ bài thơ do người khởi kiện sáng tác (nhà thơ) và đăng tải trên mạng xã hội từ năm 2014.
Nhà thơ cho rằng, nhạc sĩ không xin phép sử dụng nội dung bài thơ để dùng làm ca từ của ca khúc nên đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả, việc Công ty sử dụng ca khúc (có phần lời là nội dung bài thơ) trong bộ phim được công chiếu vì thế cũng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Nhà thơ yêu cầu Công ty phải nêu tên nhà thơ là tác giả của bài thơ trong bộ phim sử dụng ca khúc. Đồng thời, Công ty còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà thơ số tiền 4 tỷ đồng (sau đó yêu cầu này được hạ xuống còn 825 triệu đồng).
Về phía mình, nhạc sĩ tố ngược lại rằng nhà thơ mới là người xâm phạm quyền tác giả vì ca khúc đã được nhạc sĩ sáng tác từ năm 2013. Đồng thời, nhạc sĩ cho rằng, bản thân ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, trong khi nhà thơ không xuất trình được bằng chứng hợp pháp về bản quyền đối với bài thơ của mình.
Công ty sản xuất phim phản đối vụ kiện, cho rằng đã ký hợp đồng sử dụng ca khúc với nhạc sĩ nên không có trách nhiệm phải bồi thường cho nhà thơ. Vụ án hiện vẫn đang được Tòa án giải quyết và chưa có phán quyết cuối cùng.
Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ tự động
Về mặt pháp lý, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ không đặt ra yêu cầu tác phẩm phải được đăng ký thì tác giả mới được bảo hộ quyền tác giả.
Theo đó, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm “tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (khoản 1, Điều 6, Luật Sở hữu trí tuệ).
Điều này nghĩa là quyền tác giả được phát sinh và bảo hộ một cách tự động mà không cần phải đăng ký với Cục Bản quyền.
Có thể thấy, việc bảo hộ tự động tác phẩm là hoàn toàn hợp lý. Bởi khi một người sáng tác ra một tác phẩm, thì đó là sự kiện đã xảy ra trên thực tế. Cho nên, dù một người khác có mang tác phẩm đó đi đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, thì việc đăng ký này cũng không thể thay đổi được sự kiện thực tế là tác phẩm trước đó đã được sáng tác bởi người khác.
Nói cách khác, người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả sẽ được xác định là tác giả của tác phẩm, cho đến khi có các chứng cứ khác chứng minh tác phẩm do người khác sáng tác.
Trong tranh chấp nêu trên, Tòa án sẽ xác định người chứng minh được thời điểm sáng tác phần lời ca khúc sớm nhất là tác giả nội dung này. Nếu không ai đưa ra được chứng cứ có tính hợp pháp, thuyết phục về thời điểm sáng tác, thì Tòa án sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền tác giả để xác định nhạc sĩ là tác giả của phần lời ca khúc mà các bên đang tranh chấp.
Lỗ hổng pháp lý trong xác định quyền, trách nhiệm của người thứ ba ngay tình
Do tác phẩm được bảo hộ tự động, nên người sử dụng tác phẩm mà không xin phép tác giả không thể lấy lý do tác phẩm đó chưa được đăng ký để biện hộ cho hành vi của mình là hợp pháp.
Bởi lẽ dù tác phẩm chưa được đăng ký, nhưng người sử dụng buộc phải biết rằng tác phẩm này đã được sáng tác bởi một ai đó, vì nếu không có người sáng tác thì tác phẩm không tồn tại. Do đó, người tự ý sử dụng tác phẩm chưa đăng ký vẫn phải bị xem là có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường do có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Tuy nhiên, trong tranh chấp nêu trên, có thể thấy nổi bật lên một tình tiết quan trọng: Công ty sản xuất phim đã ký hợp đồng sử dụng ca khúc với nhạc sĩ, là người được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả đối với ca khúc (có phần lời bị tranh chấp quyền tác giả).
Từ tình tiết nêu trên, một câu hỏi pháp lý cần đặt ra là: Giả sử Tòa án xác định người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả của tác phẩm, vậy liệu người sử dụng tác phẩm có phải bồi thường cho tác giả thật sự, khi mà trước đó người sử dụng đã được người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho phép sử dụng tác phẩm?
Có thể thấy, người sử dụng tác phẩm trong trường hợp này có lý do hợp lý để tin rằng việc sử dụng tác phẩm của mình là hợp pháp, khi mà họ đã có thỏa thuận về việc sử dụng tác phẩm với người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Do đó, người sử dụng cần phải được xác định là người thứ ba ngay tình và không có lỗi trong việc sử dụng tác phẩm dù họ không xin phép tác giả thật sự của tác phẩm.
Vướng mắc nằm ở chỗ, pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định quyền tác giả được phát sinh tự động và được bảo vệ khỏi việc sử dụng trái phép, mà không có quy định loại trừ trách nhiệm trong tình huống nêu trên. Do đó, tác giả thật sự của tác phẩm có thể cho rằng, người sử dụng không thể hoàn toàn tin tưởng vào giấy chứng nhận mà phải nghi ngờ rằng người được cấp giấy chứng nhận có thể không phải là tác giả thật sự, và việc thỏa thuận sử dụng tác phẩm với người không phải là tác giả thì không có giá trị.
Ngoài ra, cả Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự hiện hành đều không quy định yếu tố lỗi là căn cứ bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng tác phẩm vẫn có thể bị quy buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tác giả ngay cả khi không có lỗi.
Với quy định pháp luật hiện nay, không dễ để phủ nhận quan điểm nêu trên. Tuy nhiên, cần xem xét một thực tế rằng Nhà nước đã không cung cấp (và cũng không thể cung cấp) cho người dân bất kỳ cơ chế nào để có thể xác định ai là người có quyền tác giả đối với một tác phẩm.
Ngay cả bản án của Tòa án xác định quyền tác giả cũng chỉ dựa trên chứng cứ do các bên cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án và bản án này có thể bị hủy khi xuất hiện chứng cứ mới chứng minh tác phẩm đó thuộc tác quyền của người khác.
Do đó, việc đòi hỏi người sử dụng phải xác định đúng người có quyền tác giả gần như là một yêu cầu không tưởng. Tin tưởng vào giấy chứng nhận quyền tác giả do Nhà nước cấp là giải pháp hiệu quả, hợp lý nhất mà người sử dụng tác phẩm có thể lựa chọn trong bối cảnh hiện nay.
Nếu Nhà nước đã không (thể) tạo cơ chế để người sử dụng xác định quyền tác giả đối với tác phẩm, thì việc quy buộc trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng là hoàn toàn không hợp lý và chắc chắn sẽ tạo ra sự rối loạn cho thị trường tác quyền.
Bởi ngay cả khi đã xin phép sử dụng tác phẩm, người sử dụng cũng không thể biết được liệu bản thân mình có bỗng dưng trở thành bị đơn trong một vụ kiện tác quyền trị giá hàng tỷ đồng trong tương lai hay không? Hệ quả là, người có nhu cầu sử dụng tác phẩm sẽ dè dặt hơn trong các giao dịch tác quyền, chi phí cho giao dịch cũng tăng cao hơn để phục vụ cho các cơ chế xác minh và bảo đảm quyền tác giả. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính các bên có quyền tác giả.
Cơ chế cho phép người sử dụng khởi kiện yêu cầu người đăng ký quyền tác giả trái phép phải bồi thường lại sau khi người sử dụng đã bồi thường cho tác giả hoàn toàn không thể giải quyết sự rối loạn trên, vì không có gì bảo đảm những người bị kiện có đủ năng lực tài chính để bồi thường lại cho người sử dụng.
Mặt khác, liệu có hợp lý không khi trách nhiệm khởi kiện người đăng ký trái phép và rủi ro không thể nhận được khoản bồi thường lại thuộc về người sử dụng, trong khi tác giả là người có thể chủ động đăng ký tác quyền nhưng đã không thực hiện để hạn chế khả năng phát sinh thiệt hại cho mình và cộng đồng?
Những giải pháp đặt ra
Với những lý do nêu trên, cần có những quy định pháp luật xác định người sử dụng tác phẩm trên cơ sở thỏa thuận với người được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là người thứ ba ngay tình và phải loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của họ trong trường hợp người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả thật sự của tác phẩm. Tác giả có quyền khởi kiện người đăng ký quyền tác giả trái phép để buộc người này phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Tuy nhiên, cũng cần làm rõ nếu người sử dụng biết người được cấp giấy chứng nhận không phải là tác giả nhưng vẫn cố tình xác lập thỏa thuận sử dụng tác phẩm với người này, thì người sử dụng không được xác định là ngay tình và vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho tác giả. Ngoài ra, người sử dụng cũng phải bồi thường đối với thiệt hại phát sinh kể từ thời điểm người sử dụng có căn cứ xác định tác giả thật sự của tác phẩm nhưng vẫn sử dụng tác phẩm mà không xin phép.
Về lâu dài, Nhà nước cần xây dựng hoặc thúc đẩy xã hội hóa để cho ra đời những cơ chế hiệu quả hơn trong việc đăng ký và tra cứu quyền tác giả nhằm tạo sự ổn định, phát triển cho thị trường tác quyền.
Còn hiện tại, quay trở lại vụ tranh chấp nêu trên, nếu nhà thơ được xác định là tác giả của bài thơ, nhưng không có cơ sở nào cho thấy Công ty sản xuất phim biết nhạc sĩ không phải là tác giả tại thời điểm ký hợp đồng sử dụng ca khúc, thì cần miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty. Việc miễn trừ trách nhiệm này không dựa trên quy định pháp luật cụ thể (bởi pháp luật hiện tại không có quy định giải quyết tình huống này), nhưng là phù hợp với lẽ công bằng và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự.