Ấn Độ vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ấn Độ đã vượt qua Brazil trở thành quốc gia bị có số ca nhiễm Covid-19 thứ hai sau Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng.
Một người dân đang tiêm một liều vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện HB Kanwatia ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ vào ngày 11/4/2021. Ảnh: Getty Images Một người dân đang tiêm một liều vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện HB Kanwatia ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ vào ngày 11/4/2021. Ảnh: Getty Images

Theo dữ liệu của Bộ Y tế, Ấn Độ đã báo cáo hơn 168.000 trường hợp mắc mới trong khoảng thời gian 24 giờ vào thứ Hai (12/4). Trong đó, có khoảng 83% ca nhiễm mới được báo cáo ở 10 bang, bao gồm bang phía Tây Maharashtra, khu vực có thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ.

Kể từ đầu tháng 4, Ấn Độ đã báo cáo hơn 1,37 triệu trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên hơn 13,5 triệu. Trong đó, các trường hợp bắt đầu tăng từ tháng 2/2021 sau khi đạt mức cao nhất vào tháng 9/2020.

Tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ thời gian gần đây

Tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ thời gian gần đây

Mặc dù Maharashtra là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lây nhiễm thứ hai, nhưng các trường hợp ở các khu vực khác cũng đang tăng lên.

Tỷ lệ tử vong được báo cáo hàng ngày cũng đang tăng lên do các bệnh viện phải đối mặt với áp lực về số lượng giường bệnh. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác bao gồm Mỹ, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 của Ấn Độ vẫn tương đối thấp.

Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan đã đổ lỗi cho làn sóng lây nhiễm thứ hai là do mọi người thiếu cam kết đeo khẩu trang và không giãn cách xã hội.

Trong những tuần gần đây, các chính trị gia bao gồm Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Bharatiya Janata của ông, cũng như các đảng chính trị khác đã tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử ở các bang như Tây Bengal, đó là những nơi tập trung đông người và hầu hết đều không đeo khẩu trang. Ngoài ra, còn có một loạt cuộc tụ họp tôn giáo diễn ra ở nhiều vùng khác nhau ở Ấn Độ.

Chương trình tiêm chủng đang được tiến hành

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, hơn 100 triệu liều vắc xin đã được sử dụng kể từ khi chính phủ Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm chủng đầy tham vọng vào tháng 1. Kể từ ngày 1/4, bất kỳ ai trên 45 tuổi đều có thể tham gia tiêm chủng.

Tuy nhiên, các báo cáo truyền thông cho biết, một số bang đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng. Chính phủ Ấn Độ cáo buộc rằng những bang này đang chuyển hướng sự chú ý sang việc họ không kiểm soát được virus.

Bên cạnh đó, Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới đang sản xuất vắc xin AstraZeneca cũng cho biết năng lực sản xuất của họ đang “rất căng thẳng”.

Tháng 3 vừa qua, Reuters đưa tin rằng, Ấn Độ đã tạm giữ lại tất cả vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh sản xuất dự định xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hôm Chủ nhật (11/4), Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu thuốc chống virus Covid-19 với tên gọi Remdesivir, khiến nhu cầu trong nước tăng đột biến để điều trị cho bệnh nhân Covid. Bộ Y tế cho biết lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến khi tình hình bùng phát được xử lý.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cho biết loại thuốc này có "ít hoặc không có tác dụng" trong việc giảm tử vong do Covid-19.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục