Amazon muốn hỗ trợ người Việt bán hàng ra thế giới

Đại diện Amazon chưa hé lộ kế hoạch hiện diện ở Việt Nam nhưng cho biết muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu tại chỗ qua nền tảng này.
Ông Gijae Seong - Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore. Ảnh: Anh Tú Ông Gijae Seong - Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore. Ảnh: Anh Tú

Trái với kỳ vọng của nhiều người, tại diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018" diễn ra sáng 14/3, đại diện Amazon không đề cập kế hoạch kinh doanh với thị trường Việt Nam

Ông Gijae Seong - Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore cho biết, hãng công nghệ Mỹ muốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hoá thông qua nền tảng của hãng.

Theo đại diện Amazon, các cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam có thể ngồi ở nhà và bán hàng cho thị trường Mỹ, EU... mà không cần nhà kho, văn phòng tại đó.

"Amazon có 300 triệu khách hàng trên toàn cầu, trong đó người mua từ 180 quốc gia, người bán từ 172 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các công cụ để giúp người bán hàng xuất khẩu dễ dàng nhất", đại diện hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới nói.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thông tin tới báo chí bên lề diễn đàn, Amazon không về Việt Nam như cách mọi người nghĩ. Doanh nghiệp này hiện chưa tham gia vào thị trường bán lẻ trong nước.

Theo ông Dũng, đại gia thương mại điện tử này cho biết còn rất ít doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon thành công như các doanh nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, Amazon muốn giúp doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu trên nền tảng của họ.

Thông qua Hiệp hội thương mại điện tử, Amazon sẽ cung cấp kiến thức, công cụ, giáo trình , chuyên gia đầu ngành để... hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon.

Đồng thời, Hiệp hội cũng tổ chức khoá đào cho các doanh nghiệp cách xin giấy phép, chuẩn bị, đóng gói bao bì... làm sao để xuất được hàng thông qua Amazon trong thời gian tới.

Bán hàng xuyên biên giới theo đại diện Amazon sẽ phát triển 20-30% trong vài năm tới. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử đạt 2.000 tỷ USD năm 2016 và dự kiến tăng gấp đôi trong 2 năm tới. Amazon hiện có mặt tại 13 quốc gia, trong đó hai thị trường mới nhất là Brazil và Australia.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước bán hàng trên các trang thương mại điện tử và cho hàng hoá Việt Nam vươn ra thế giới.

"Đồng thời, nó cũng là cú hích để các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn. Việc các cơ quan quản lý cần làm là tạo ra môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp cùng phát triển", ông Hải cho hay.

Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng, thu hút sự chú ý của nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính, thương mại điện tử năm 2017 tăng trưởng 25% so với năm trước đó.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp được VECOM khảo sát cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng năm nay ở mức tương tự.

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đạt 35%.

Nhóm các doanh nghiệp chuyển phát hàng tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát ở mức 62-200%. Một số công ty trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến phát triển từ 100 đến 200% năm ngoái.

Theo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, còn giá trị giao dịch tăng 75%.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục