Ám ảnh khi doanh nghiệp niêm yết ồ ạt tăng vốn

Những thông tin về phát hành tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông tưởng như là tin tốt, thể hiện sự lớn mạnh của công ty, song lại chứa đựng cả nỗi ám ảnh của cổ đông nhỏ khi cổ phiếu bị pha loãng.
Quyết định phát hành tăng vốn luôn được giới đầu tư quan tâm Quyết định phát hành tăng vốn luôn được giới đầu tư quan tâm

Câu chuyện cổ đông Công ty cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (PPH) giãy nảy khi được tin công ty sẽ sáp nhập vào Công ty mẹ - Tổng công ty cổ phần Phong Phú (PP Corp) có thể coi vụ điển hình của nỗi lo tăng vốn.

Được cổ phần hóa từ năm 2007 đến giờ, PPH vẫn yên ổn với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng, cổ tức hàng năm được chia đều đặn cho các cổ đông, 2 năm gần đây, cho dù tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không mấy thuận lợi, thì cổ đông của PPH vẫn được chia cổ tức 30% bằng tiền mặt.

Trong khi đó, công ty mẹ PP Corp. từ năm 2011 đến nay đã tăng vốn điều lệ 2 lần, từ 500 tỷ đồng năm 2011 lên 656 tỷ đồng năm 2013. Nhưng vấn đề là, cứ mỗi lần doanh nghiệp phình to, đồng nghĩa với việc cổ phiếu bị pha loãng và lợi nhuận lại không theo kịp với sự tăng trưởng về vốn điều lệ.

Trong năm 2013, khi vốn điều lệ của PP Corp. tăng từ 625 lên 656 tỷ đồng, lợi nhuận của Công ty đã biến động theo chiều ngược lại, sụt giảm từ 210 tỷ đồng năm 2012 xuống 112 tỷ đồng năm 2013.

Tuy nhiên, ở góc độ quản trị và điều hành doanh nghiệp, đa phần hội đồng quản trị và ban điều hành thường có tâm lý muốn tăng vốn nếu có điều kiện, vì đây là một trong thước đo về tầm ảnh hưởng của công ty.

Ông Vũ Khắc Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 505 thừa nhận, việc tăng vốn điều lệ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi đi đàm phán, ký kết hợp đồng, bởi đối tác cũng hay nhìn vào vốn để đánh giá tiềm năng của công ty. “Thậm chí, có những gói thầu còn đặt ra yêu cầu về điều kiện vốn tối thiểu”, ông Tiệp nói.

Tuy vậy, bản thân Sông Đà 505 lại là một công ty khá thận trọng trong việc tăng vốn. Mặc dù có lãi liên tục nhiều năm và vốn chủ sở hữu đã đạt tới 130 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn chưa có kế hoạch phát hành thêm. Tính đến thời điểm này, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang ở mức khá khiêm tốn là 25 tỷ đồng.

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích tài chính, để nhận định việc phát hành tăng vốn là tốt hay không tốt với doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Tăng vốn là một biểu hiện của sự phát triển đi lên của doanh nghiệp nhưng, chỉ khi điều này đồng đều với sự tiến bộ về năng lực quản lý, khả năng quản trị công ty, khả năng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường… Điều này cũng có nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp đang trên đà đi lên nhưng không tăng vốn kịp thời thì có thể sẽ bị bỏ lỡ mất cơ hội phát triển.

Ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CMVietnam) cho biết, vừa qua công ty đã phải bỏ qua 1 hợp đồng “ngon ăn” trị giá 25 triệu USD tại Thái Lan do không thể chuẩn bị kịp nguồn lực để thực hiện hợp đồng. Đây là lý do khiến  tới thời điểm này, CMVietnam quyết định phát hành tăng vốn mặc dù chiến lược của CMVietnam từng công bố trước đó là yên ổn với quy mô nhỏ, ông Phúc cho biết.

Theo kế hoạch, trong quý II/2014, công ty sẽ phát thành 3 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược để tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. Trong số 30 tỷ đồng thu được sau đợt phát hành, công ty sẽ dành 10 tỷ đồng để đầu tư trung hạn, mua sắm thêm máy móc thiết bị phục vụ thi công các dự án đang triển khai và chuyển bị triển khai, 20 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động để thực hiện các hợp đồng mới ký và sắp ký. Việc tăng vốn này cũng giảm bớt áp lực cho chính Chủ tịch HĐQT CMVietnam khi thời gian vừa qua, để có nguồn vốn cho doanh nghiệp hoạt động, ông Phúc đã phải đem bộ toàn bộ tài sản cá nhân gồm nhà cửa, ô tô… để thế chấp ngân hàng vay vốn.

Chí Tín(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục