Alibaba (Trung Quốc) thâu tóm Lazada Group: Điều gì sẽ xảy ra?

Tin đồn Tập đoàn Alibaba mua lại Lazada Group lan nhanh, khiến thị trường thương mại điện tử lao xao. Vì cho tới lúc này, Lazada Việt Nam đang giữ ngôi vương trên thị trường, ở cả tốc độ phát triển người dùng, doanh thu, hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại điện tử
Lazada Việt Nam đang giữ ngôi vương trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra  khi Alibaba thâu tóm? Lazada Việt Nam đang giữ ngôi vương trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Điều gì sẽ xảy ra khi Alibaba thâu tóm?

4 năm Lazada Việt Nam có gì

Tại buổi họp báo mừng sinh nhật lần thứ 4 của Lazada Việt Nam hôm 9/3, ông Alexandre Dardy, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam đã vui mừng thông báo con số 3.000 nhà cung cấp với hơn 500.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau được kinh doanh trên website này. Lúc cao điểm, Lazada.vn tiếp nhận 1,5 triệu lượt truy cập mỗi ngày.

Sau 4 năm, Lazada Việt Nam cũng đã có trong tay 3 nhà kho (2 ở TP. HCM, 1 ở Hà Nội) với 35 trung tâm trung chuyển hàng hóa trên khắp cả nước. Điều này giúp 95% đơn hàng mua từ Lazada.vn được chuyển đi trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Mặc dù không chia sẻ chi tiết về doanh thu trong năm qua, nhưng ông Alexandre Dardy cho biết, 80% tổng giá trị hàng hóa đến từ mô hình thương mại điện tử, 20% đến từ các mặt hàng do Công ty nhập về kinh doanh. 50% tổng giá trị giao dịch đến từ m-site (website dành cho di động) và ứng dụng di động.

Một điểm khác biệt của Lazada Việt Nam với các đối thủ trên thị trường chính là dịch vụ Fulfillment - có thể hiểu là dịch vụ mà chủ hàng gửi hàng vào kho, Lazada Việt Nam sẽ lo phần tiếp thị và bán hàng. Với dịch vụ này, chủ hàng sẽ trả phí 5.000 đồng cho mỗi đơn hàng phát sinh và thêm 3.000 đồng cho mỗi cân hàng hóa. Chi phí này rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư kho bãi khi nhu cầu kinh doanh của chủ hàng phát triển. Ra mắt từ quý II/2014, đến giờ có gần 100 chủ hàng kinh doanh trên Lazada.vn sử dụng dịch vụ này.

Cũng phải nói thêm, kể từ khi Deca.vn của Công ty cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24 h đột ngột rời cuộc chơi, các doanh nghiệp gạo cội khác như Tiki.vn đang khá im tiếng, hay như Adayroi.com của VinEcom còn trong thời gian thử nghiệm, thì Lazada.vn gần như bá chủ với các kế hoạch đầu tư liên tục được công bố.

Chính bởi vậy, không lạ khi ông Dardy tự tin tuyên bố rằng: “Nếu hoàn thành kế hoạch, doanh thu của Lazada Việt Nam nay sẽ khả quan hơn nhiều so với năm 2015”, ông Dardy nói.

Tất nhiên, không phải đơn giản để đạt được tham vọng này, vì ngay vị Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam cũng thừa nhận, niềm tin khách hàng vào mua hàng trực tuyến vẫn là rào cản lớn nhất với thương mại điện tử  Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, ngay trong năm 2016, Công ty sẽ tiếp tục siết chặt quy định về hàng hóa và chọn lọc đối tác kinh doanh trên website Lazada.vn.

Alibaba mang gì đến Việt Nam

Phải nói ngay, ông Alexandre Dardy từ chối bình luận khi được hỏi về thông tin Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua lại cổ phần của Lazada Group. Cũng không thể làm khó ông Dardy, vì thương vụ trên diễn ra ở khu vực, nên ở vị trí giám đốc Lazada Việt Nam, Dardy không có quyền công bố đề cập đến vấn đề này.

Tuy nhiên, giới thạo tin trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng, việc Lazada Group rơi vào tầm ngắm của Alibaba không phải khó hiểu. Alibaba.com hiện chỉ mới phát triển ở Trung Quốc, nếu có được Lazada, Tập đoàn này sẽ ngay lập tức có mặt tại 6 thị trường ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. Cũng phải nói thêm, doanh thu của Lazada Group ở 6 thị trường này trong 4 năm qua là 1,3 tỷ USD, vượt qua con số 0,9 tỷ USD của Alibaba trong 4 năm đầu thành lập. Nghĩa là với thương vụ này, Alibaba thực sự trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, nếu tin đồn này là sự thật, chắc chắn thị trường Việt Nam sẽ bị tác động mạnh, trong đó có cả tin vui lẫn tin buồn.

"Nếu có được Lazada, Tập đoàn Alibabasẽ ngay lập tức có mặt tại 6 thị trường ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và thực sự trở thành thương hiệu toàn cầu."

Thứ nhất, việc Lazada Group về chung nhà với Alibaba, doanh nghiệp sở hữu webstie đứng đầu mảng thương mại điện tử Trung Quốc sẽ giúp thị trường này của Việt Nam đi nhanh và chuyên nghiệp hơn theo đúng xu hướng thế giới.

Thứ hai, cả Alibaba và Lazada đều có thế mạnh về mảng hậu cần với quy mô lớn, việc sát nhập lại với nhau sẽ rất có lợi cho thị trường còn non trẻ như Việt Nam.

Đặc biệt, sẽ có một thế hệ nhân sự dành cho ngành thương mại điện tử chuyên nghiệp hơn được đào tạo từ việc này. Trong 4 năm qua, nhân sự ở Việt Nam vẫn tự học là chính.

Đó là các tin vui. Nhưng cái giá phải trả không nhỏ. Bởi hiện nay, có đến 80% nguồn hàng kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu Alibaba tham gia vào sàn thương mại điện tử lớn, có hạ tầng giao nhận tốt ở Việt Nam như Lazada Việt Nam, cơ hội để hàng Việt Nam xuất hiện trên sàn sẽ thu hẹp đáng kể, do chi phí của doanh nghiệp Việt Nam thường cao hơn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp có khả năng tự sản xuất mới ít bị ảnh hưởng.

Thứ đến, theo vị chuyên gia này, Lazada Việt Nam hiện là doanh nghiệp dẫn đầu, nên việc sáp nhập với Alibaba sẽ gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khác, thậm chí có thể coi là một đợt càn quét mới. Để tồn tại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm những thị trường ngách, hoặc phải bỏ thêm vốn để đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng chuyên nghiệp hơn.

Phải thẳng thắn, Alibaba sẽ mang đến lời thách đấu không nhỏ, nhất là với các doanh nghiệp Việt Nam luôn kêu cả thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp nội hết cửa. Thậm chí, sự xuất hiện của các ông lớn sẽ buộc doanh nghiệp Việt Nam năng động hơn trong nỗ lực xác định chỗ đứng nếu muốn tiếp tục cuộc chơi.

Trong một lần trao đổi gần đây với ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập Seedcom, đơn vị đang đầu tư vào chuỗi cửa hàng giày Juno.vn, chuỗi cửa hàng mẹ và bé concung.com và sàn thương mại điện tử chuyên ngành hàng thời trang Zanado.com, ông Huân cho rằng, với dân số trẻ, tốc độ người sử dụng internet tăng nhanh, thị trường Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Song, đây cũng là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Chiến lược của ông Huân là đi vào các thị trường ngách.

Thậm chí, ông Phan Văn Sơn, Giám đốc Điều hành kiêm nhà sáng lập Zanado.com tin rằng, trước mắt sẽ không bị ảnh hưởng lớn khi Lazada Việt Nam sáp nhập với Alibaba vì Lazada.vn là website kinh doanh đa ngành, trong khi Zanado.com là chuyên về ngành hàng thời trang.

“Hơn 90% nhà cung cấp trên Zanado.com có xuất xứ từ Việt Nam. Đây là thế mạnh của chúng tôi tại thị trường Việt Nam”, ông Sơn tự tin.

Phi Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục