Ai mua lại chuỗi khách sạn tỷ đô Starwood Hotels?

(ĐTCK) Trong bối cảnh những lo ngại gia tăng về thể trạng kinh tế Trung Quốc và dòng vốn nội địa chảy khỏi nước này, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang Insurance Group lại đang thực hiện những bước đi khiến giới đầu tư toàn cầu kinh ngạc với kế hoạch thâu tóm tài sản nước ngoài mạnh mẽ.
Ai mua lại chuỗi khách sạn tỷ đô Starwood Hotels?

Các thông tin nổi lên hồi đầu tuần này về việc liên doanh nhóm đầu tư do Anbang dẫn đầu đã đề nghị mua lại chuỗi khách sạn Starwood Hotels (Mỹ) với giá 12,8 tỷ USD, đồng thời Hãng tin CNBC cũng xác nhận, tập đoàn Trung Quốc này đã đồng ý mua lại tổ hợp khách sạn Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone với giá 6,5 tỷ USD. Năm ngoái, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh nói trên cũng hoàn tất thương vụ 1,95 tỷ USD để mua lại Waldorf Astoria, khách sạn có trụ sở tại New York (Mỹ).

Nguồn tin có liên quan tới thương vụ mua lại này cho biết, sự mở rộng ồ ạt vào thị trường Mỹ của Anbang không chỉ có liên quan tới làn sóng vốn đầu tư đang chảy khỏi Trung Quốc và đổ vào thị trường bất động sản Bắc Mỹ, mà còn gắn kết tới các mục tiêu kinh doanh dài hạn của công ty này.

Starwood Hotels từng kỳ vọng sẽ được tổ hợp khách sạn Marriott mua lại trong một thương vụ trị giá 12,2 tỷ USD hồi năm 2015, song hiện đang là mục tiêu tài sản ưu thích của Anbang vì tiềm năng của chuỗi khách sạn này có thể đem lại dòng tiền mặt trong dài hạn, đồng thời họ sở hữu nhận dạng thương hiệu mạnh mẽ.

Dự kiến, các cổ đông Starwood và Marriott sẽ bỏ phiếu về khả năng hai công ty sáp nhập vào ngày 28/3 tới, vì thế đề nghị mua lại của Anbang vẫn còn bỏ ngỏ. Được thành lập vào năm 2004 với số tài sản chỉ 60 triệu USD tại thời điểm đó và chỉ tập trung vào thị trường bảo hiểm xe hơi, Anbang hiện có tổng tài sản trị giá khoảng 253 tỷ USD.

Tại một buổi hội thảo được tổ chức tại Harvard năm ngoái, Chủ tịch Anbang Wu Xiaohui không giấu giếm sự quan tâm và hứng thú của mình đối với bất động sản tại thị trường phương Tây. Thừa nhận chi phí để sở hữu trọn đời Waldorf Astoria là rất rẻ so với các cơ hội tương tự tại trung tâm Bắc Kinh, ông Wu cho rằng, khoản đầu tư này là bước đi tích cực để đáp ứng nhu cầu du khách Trung Quốc đang gia tăng.

“Thông tin về thương vụ mua lại Waldorf tràn ngập trên Internet tại Trung Quốc cũng giúp cải thiện nhận dạng thương hiệu của chúng tôi và mở rộng các cơ hội kinh doanh. Đây là thứ mà tôi gọi đó là lợi ích lan tỏa”, Wu cho biết, “Từng là một khách sạn ít được biết đến đối với người Trung Quốc, Waldorf Astoria đã trở nên nổi tiếng hơn tại Đại lục sau khi được Anbang mua lại. Vì thế, đó cũng là lợi ích chung cho cả Trung Quốc và Mỹ”.

Ông Wu cũng khẳng định, tập đoàn này đang tích cực tìm kiếm thêm các cơ hội mở rộng mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại Bắc Mỹ và châu Âu. “Chúng tôi phải giành chiến thắng trong mọi cuộc đấu, bởi lẽ chúng tôi đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc hướng ra toàn cầu”, Wu tự tin cho biết.

Theo số liệu thống kê của Dealogic, dòng vốn đầu tư cho hoạt động mua bán và sáp nhập của Trung Quốc ở nước ngoài tiếp tục tăng nhanh. Ước tính, giá trị vốn đầu tư chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2016 đến nay đã ngang tổng giá trị thương vụ đầu tư của cả năm 2015.

Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9% năm 2015, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Do kinh tế phát triển chậm lại và đồng NDT yếu hơn so với USD, các nhà đầu tư đang hướng tới những khoản đầu tư tiềm năng tại thị trường Mỹ và dòng tiền tại Đại lục ngày càng có xu hướng đa dạng hóa ra thị trường bên ngoài.

Đánh giá về vấn đề này, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu thị trường Mỹ CBRE, Spencer Levy chia sẻ quan điểm rằng, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường Mỹ đang tăng trưởng rất nhanh chóng. Hiện các công ty đầu tư vào Mỹ đang theo đuổi 2 chiến lược: một là chỉ đơn giản tìm kiếm các khoản sinh lời ổn định và dài hạn, trong khi nhóm thứ hai hy vọng sẽ gặt hái sự phát triển hơn nữa tại một thị trường mà họ cho rằng “vẫn chưa qua mức đỉnh”.  

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục