Ngày 26/12/2015, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát gần 2.500 tỷ xảy ra tại Ngân hàng Agribank vẫn tiếp tục với phần tranh luận.
Trong vụ án này có 30 luật sư tham gia bào chữa cho 18 bị cáo. Một số luật sư đã đưa ra quan điểm để chứng minh thân chủ của mình không phạm tội.
Với vai trò là nguyên đơn dân sự, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của Ngân hàng Agribank đã đề nghị khắc phục hậu quả sớm để thu hồi lại tài sản.
Theo người đại diện ủy quyền của Agribank, tổng dư nợ gốc và lãi của 4 pháp nhân (gồm Enzo Việt, Liên doanh Lifepro Việt Nam, Vietmade và Lifepro Việt Nam) là 3.170 tỷ đồng. Hiện nay, Ngân hàng đang thiệt hại tổng số tiền khoảng 2.488 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thiệt hại chính xác của Agribank.
Lẽ đó, luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét, trả hồ sơ để điều tra bổ sung phần dân sự nhằm làm rõ thiệt hại của Agribank. Mặt khác, Agribank cũng mong muốn được giao lại toàn bộ tài sản để ngân hàng quản lý, bán đấu giá nhằm thu hồi vốn của Nhà nước. Nguồn gốc tài sản này hình thành từ vốn vay của Agribank. Có những tài sản chưa được khai báo trong điều tra, truy tố. Agribank đề nghị được quản lý tài sản này để giảm trừ thiệt hại.
Kết thúc phần trình bày, đại diện ủy quyền của Agribank đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đặc biệt là nhóm bị cáo nguyên là cán bộ cao cấp của ngân hàng.
Theo truy tố, bị cáo Hoàng Anh Tuấn – nguyên Ủy viên HĐQT đã thiếu trách nhiệm ký Quyết định 1715 (nâng quyền phán quyết cho chi nhánh Nam Hà Nội vay vốn 400 tỷ đồng) và Nghị quyết 6267 (150 triệu USD) tạo ra sơ hở để các đối tượng nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Agribank..
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc quy kết bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không phù hợp với khoa học pháp lý.
Để chứng minh cho quan điểm trên, luật sư lập luận, Hoàng Anh Tuấn được Chủ tịch HĐQT ủy quyền ký quyết định 1715 và Nghị quyết 6267. Theo luật sư, việc được ủy quyền ký chỉ là thủ tục. Nghị quyết của HĐQT là thể hiện ý chí chung của tập thể. Do vậy, hành vi ký ban hành nghị quyết không thể là tội thiếu trách nhiệm.
Còn bị cáo Kiều Trọng Tuyến – nguyên Phó tổng giám đốc Agribank mong muốn HĐXX xem xét miễn hình phạt.
Bào chữa cho bị cáo Lê Minh Hiếu (lãnh đạo Công ty cổ phần Lifepro và Vietmade), luật sư cho rằng, thân chủ của mình cũng là nạn nhân của vụ án lừa đảo do nhóm đối tượng nước ngoài gây ra. Mặt khác, bị cáo Hiếu không thể là chủ thể của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nguyên nhân xuất phát từ việc chưa xác định được tính vụ lợi trong hành vi của bị cáo.
Cơ quan công tố cáo buộc Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền hai tội danh là Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đồng phạm với Lương và Hiền có 5 bị cáo là cán bộ chi nhánh Nam Hà Nội cùng bị cáo Lê Minh Hiếu.
Bị cáo Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng giám đốc Agribank) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
5 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Agrinbank và nhóm 4 bị cáo là cán bộ Hải quan cùng bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đã khẳng định có đủ cơ sở kết luận, Phạm Thị Bích Lương cùng 12 cán bộ, nhân viên khác tại chi nhánh và hội sở của Agribank đã có nhiều sai phạm.
Phiên tòa đã làm việc liên tục trong 6 ngày, dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 31/12 sẽ đưa ra phán quyết.