Chiều 25/12, phiên tòa xét xử 18 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank bước sang phần tranh luận (khá gay gắt) của các luật sư bào chữa.
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội đã mời 5 luật sư tham gia bào chữa cho 2 tội danh là Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Bích Lương, luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, mức án đề nghị của Viện kiểm sát (30 năm tù) là quá nặng. Cho rằng, không có đủ cơ sở quy kết tội danh đối với bị cáo Lương, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
"Để xảy ra vụ việc này bản thân tôi thấy rất đau lòng và ân hận. Nhưng tôi không cố ý làm trái quy định của nhà nước, ngân hàng" - bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
Luật sư còn đưa quan điểm, vụ án có một số vi phạm tố tụng, như khám xét nơi làm việc của bị cáo Lương không đúng quy định do không có mặt Lương. Mặt khác, cần xác minh, thu hồi 80 triệu USD (nhóm đối tượng nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt) đang bị “treo” ở Maroc. Các đối tượng nước ngoài bị khởi tố quốc tế. Hiện chưa có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện số tiền này không còn.
“Số tiền 80 triệu USD không thu về mà đưa các bị cáo ra xét xử độc lập là phiến diện. Nếu 80 triệu USD được đưa về, sẽ giảm trừ được 90% thiệt hại”, bà Phúc nói.
Đối với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn, luật sư Nguyễn Văn Chiến biện giải, cơ quan điều tra chưa chứng minh được dấu hiệu đặc trưng của tội phạm.
Theo luật sư, quy kết bị cáo Phạm Thị Bích Lương chỉ đạo Chử Thị Kim Hiền tìm công ty ký kết với Enzo Việt để "lách" hạn mức tín dụng, nhưng chỉ dựa trên lời khai của Hiền, không có tài liệu nào khác. Việc buộc tội lại tin vào lời khai bất lợi cho bị cáo.
Cũng theo luật sư Chiến, dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là động cơ vụ lợi. Thời điểm thực hiện hành vi, bị cáo Phạm Thị Bích Lương không có động cơ nào. Nửa năm sau, Lê Minh Hiếu mới cầm 3 tỷ đồng quay trở lại để “cảm ơn các anh chị trong chi nhánh”. Điều này hoàn toàn phụ thuộc ý chí chủ quan của bản thân Hiếu. Cơ quan điều tra cáo buộc Hiếu, Lương, Hiền cố ý làm trái quy định cho vay có sự thỏa thuận. Tuy nhiên, khi lắp ghép, xâu chuỗi các sự kiện không đảm bảo tính logic khách quan.
Luật sư cho rằng, hiện tại khoản tiền 420 tỷ đồng, công ty của Lê Minh Hiếu vẫn đang nhận nợ. Như vậy, khoản tiền này không được xác định là hậu quả thiệt hại. Xét tổng thể, hậu quả của vụ án chưa tính toán chính xác.
Một luật sư khác tham gia bào chữa cho rằng, sai phạm của bị cáo Lương là tổng hợp nguyên nhân như khách hàng lừa dối, sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới. Bị cáo sai phạm vì lý do thiếu quyết liệt kiểm tra, kiểm soát.
Trước tòa, bị cáo Phạm Thị Bích Lương nói, việc quy kết bị cáo 2 tội danh là không thỏa đáng và thiếu căn cứ.
“Để xảy ra vụ việc này bản thân tôi thấy rất đau lòng và ân hận. Nhưng tôi không cố ý làm trái quy định của nhà nước, ngân hàng”, nguyên Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội nói.
Bị cáo giải thích, do dự án quá lớn, năng lực, trình độ và thời gian có hạn. Do vậy, với tư cách giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội, bị cáo đã không đôn đốc cán bộ tín dụng kiểm tra hàng hóa để phát hiện khách hàng nhập khống hàng hóa về nhà máy.
Trước khi kết thúc phần bổ sung bài bào chữa của luật sư, Phạm Thị Bích Lương đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng quan điểm trên, luật sư bào chữa cho bị cáo Chử Thị Kim Hiền (nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội) cũng đề nghị HĐXX tuyên thân chủ tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Luật sư cũng đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ như cha mẹ được thưởng Huân, huy chương kháng chiến, chồng bị cáo là thương binh.