Phát huy tiềm năng thế mạnh vùng
ÐBSCL thuộc lưu vực sông Mekong có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Với diện tích khoảng 04 triệu ha, ÐBSCL sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước. Nông nghiệp và thủy sản là hai "trụ cột" kinh tế chính của vùng. ÐBSCL là khu vực thị trường sôi động và tiềm năng, nên thu hút phần lớn các NHTM đến hoạt động, trong đó có Agribank.
Tại ÐBSCL, Agribank là NHTM có mạng lưới rộng nhất với 15 chi nhánh loại I, 146 chi nhánh loại II, 147 phòng giao dịch. Với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp, Agribank hiện là NHTM duy nhất có khả năng tiếp cận đến tận các huyện, xã trong vùng.
“Tam nông” luôn là ưu tiên số 1 trong hoạt động cho vay của Agribank tại khu vực ÐBSCL . Ðến 31/12/2017, dư nợ tín dụng của Agribank tại khu vực này đạt trên 128.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển “Tam nông” chiếm trên 90%/tổng dư nợ.
Agribank chủ lực và tiên phong trong đầu tư các chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP...
Nguồn vốn Agribank được tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay nuôi trồng, khai thác nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; cho vay thu mua lúa gạo; cho vay nhập khẩu; cho vay tiêu dùng, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho vay những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của vùng như: nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản; chăn nuôi và ngành lương thực, cây ăn quả...
Hoạt động tín dụng của Agribank đóng góp tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của khu vực, đồng hành, hỗ trợ hàng triệu khách hàng doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân nơi đây yên tâm sản xuất ngay trên chính đồng ruộng của mình.
Tại Vĩnh Long, khoai lang Bình Tân có chất lượng thơm ngon nổi tiếng, được trồng nhiều nhất ở huyện Bình Tân với trên 95% diện tích, ước sản lượng hàng năm đạt từ 300- 400 ngàn tấn. Từ nguồn vốn Agribank đầu tư trồng khoai lang xuất khẩu, nhiều nông dân Bình Tân đã trở thành những nông dân triệu phú, tỷ phú. Mô hình trồng khoai lang của gia đình bác Đỗ Văn Thum (tổ 4 ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), khách hàng của Agribank (chi nhánh Bình Tân, Vĩnh Long) là một ví dụ. Trò chuyện với chúng tôi, bác Thum cho biết, gia đình có truyền thồng trồng khoai lang trước giải phóng 1975. Hiện nay, gia đình trồng vụ khoai, vụ lúa trên 24 ngàn m2 đất của gia đình, chủ yếu là khoai lang giống Nhật.
Để sản xuất hiệu quả, vào mùa vụ ông phải thuê tới 50 lao động trong ấp cùng làm. Ông kể, trước đây mỗi lần đi vay vốn ngân hàng, ông phải chèo ghe xuống dưới huyện để vay, vất vả, thời gian đi lại mất 3 ngày. Nay cán bộ Agribank (chi nhánh Bình Tân, Vĩnh Long) đến tận xã khảo sát nhu cầu vay và giúp hoàn thiện thủ tục cho vay, nhu cầu vay chính đáng bao nhiêu thì Agribank cho vay bấy nhiêu. Với sự đồng hành của Ngân hàng, gia đình ông thuê thêm 2 ha nữa để trồng khoai lang, đầu tư mua phân bón, trả công trồng, tiền thuê đất... Nghề trồng khoai lang đem đến cho gia đình ông cuộc sống ổn định, khấm khá.
Khách hàng Đỗ Văn Thum (áo xanh) trên cánh đồng khoai lang bạt ngàn
có quan hệ vay vốn Agribank (CN Bình Tân, Vĩnh Long)
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long Bùi Thanh Việt, từ vốn vay Agribank, hàng nghìn nông dân xã Thành Trung và một số xã lân cận đã cùng nhau chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu.
“Agribank đã đáp ứng hầu hết nhu cầu vốn của người dân địa phương. Đa số người dân vay vốn từ Agribank. Do am hiểu địa phương, Agribank hỗ trợ các hộ dân vay vốn kịp thời, thời gian giải quyết nhanh chóng, lâu 5 ngày trở lại, nhanh là 1-2 ngày”, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trung cho biết.
Bên cạnh cung ứng tín dụng và đầu tư để ÐBSCL phát huy tiềm năng thế mạnh, Agribank chú trọng phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ (SPDV) phù hợp với địa bàn khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là chuyển tải vốn kịp thời, trực tiếp đến khách hàng, tiếp tục mở rộng phát triển các kênh phân phối SPDV đa dạng, tiện ích (kênh ATM, EDC/POS; Internet Banking, Mobile Banking; Ngân hàng lưu động; qua đại lý là các tổ liên kết; chi nhánh, phòng giao dịch).
Mong muốn có sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ
Từ thực tiễn hoạt động gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, góp phần đưa ÐBSCL trở thành vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản lớn của cả nước và giữ vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
. Với lượng vốn lớn hàng năm cung ứng cho khu vực, Agribank đã đáp ứng nhu cầu đầu tư của mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn, có kim ngạch xuất khẩu cao, có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn…
Qua đó, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực ÐBSCL; góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương; bước đầu hình thành liên kết giữa Nhà nông, Nhà doanh nghiệp và Agribank trong quá trình vay vốn, góp phần tạo nên các vùng chuyên canh cây ăn trái, vựa lúa, thủy sản trong khu vực, đầu tư áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, cho sản phẩm năng suất và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Cơ chế vay vốn ngân hàng ngày càng thông thoáng, thuận lợi, giúp người nông dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn nguồn vốn đầu tư, có đủ nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Nguồn vốn Agribank góp phần phát triển thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tiễn hoạt động tín dụng và cung ứng SPDV tại ÐBSCL, Agribank nhận thấy tại khu vực này đang còn những tồn tại bất cập như: Thiếu mô hình liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Công tác quy hoạch tổng thể toàn vùng, từng khu vực chưa phù hợp, tính liên kết vùng chưa cao.
Chịu tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực. Chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra… đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mặc dù rất nỗ lực và mong muốn triển khai hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp những bất cập nhất định trong việc xác định tài sản thế chấp, bất cập trong cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình, ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn trong trường hợp khoản vay gặp rủi ro…
Đồng hành cùng Vùng Kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL, với mục tiêu chung cùng “xây dựng ÐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng ÐBSCL giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc, có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD.
Tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước khoảng 13,3% vào năm 2020”, Agribank xác định tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại hàng đầu, đóng vai trò chủ lực tại khu vực ÐBSCL, chiếm thị phần chi phối đầu tư tín dụng của toàn khu vực; tập trung nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay xuất khẩu, cho vay tiêu dùng, cho vay các chương trình phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục nâng tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn; mở rộng thị phần và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, thanh toán trong nước và quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, thẻ và các dịch vụ khác; đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của hộ gia đình, cá nhân và các doanh nghiệp trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Agribank mong muốn những bất cập sớm được tháo gỡ để chính sách phù hợp với thực tiễn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại cho các hộ gia đình và chủ trang trại được đẩy nhanh tiến độ, tạo cơ sở pháp lý cho đối tượng này vay vốn được thuận lợi.
Tăng cường triền khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản đạt chuẩn quốc tế; mở rộng thị trường trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế liên kết vùng, liên kết với các doanh nghiệp lớn đầu mối để hỗ trợ phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách về quản lý đất đai theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Tích tụ ruộng đất có quy mô lớn để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ban hành chính sách hỗ trợ về phát triển khoa học, công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ… nhằm khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (miễn giảm thuế nhập khẩu, cân đối hỗ trợ một phần nguồn vốn đầu tư nhà nước với lãi suất thấp, và vốn vay các ngân hàng thương mại).
30 năm gắn bó đồng hành cùng "Tam nông", Agribank mong muốn
góp sức xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, phát triển năng động
Ban hành cơ chế hướng dẫn việc thực hiện chủ trương liên kết các nhà theo hướng gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc đầu tư vốn cho phát triển kinh tế khu vực.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích để các Công ty Bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vốn nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Có chính sách kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn FDI đầu tư vào kết cấu hạ tầng và sản xuất như: giao thông, thủy lợi, năng lượng; chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Ðối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, quản lý tài chính, công tác phân tích, lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh,… nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng khác từ các tổ chức tín dụng.
Với 30 năm đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, có thể nói, ĐBSCL đã trở thành một phần máu thịt và là địa bàn quan trọng đối với Agribank. Với dư nợ cho vay của Agribank tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ toàn hệ thống (chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại khu vực), nguồn vốn Agribank đầu tư cho vay sản xuất, kinh doanh, tạm trữ lúa gạo, tháo gỡ khó khăn đối với nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, trong đó ưu tiên mục tiêu chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi, cây trồng; mở rộng và ưu tiên cho vay các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm đối phó với diễn biến khí hậu, tình trạng ngập mặn, hạn hán tại ĐBSCL.