Xây dựng hệ sinh thái tiện ích số
Nhận thức rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Agribank dành ngân sách lớn trong đầu tư xây dựng, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt cho bình quân 35 triệu giao dịch/ngày, thậm chí lúc cao điểm lên tới 45 triệu giao dịch/ngày, giao dịch tự động chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch. Agribank hiện có gần 20 triệu khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán, gần 16 triệu khách hàng sử dụng thẻ ATM, gần 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua kênh Mobile Banking. Phương thức thanh toán tự động chiếm khoảng 81% tổng số giao dịch thanh toán của khách hàng tại Agribank.
Xác định chuyển đổi số là bước đi chiến lược đúng đắn và quan trọng góp phần giúp gia tăng chất lượng các điểm chạm online với khách hàng, Agribank chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng trên kênh số và các dịch vụ thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã pin điện tử ePIN, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến, mô hình Ngân hàng số Agribank Digital, chức năng rút tiền bằng mã QR…
Ðáng chú ý, những năm gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh triển khai. Nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân. Trong nhiều năm qua, Agribank đã triển khai dịch vụ thu hộ với gần 2.000 đơn vị, nhà cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, bệnh viện, công ty tài chính...
Tích hợp các tiện ích đối với dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ lên Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia; tích hợp các dịch vụ thanh toán thuế, phí, lệ phí thông qua ví điện tử, trên ứng dụng Ngân hàng điện tử Agribank E- Mobile Banking; triển khai dịch vụ thu hộ học phí cho các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý trường học của SSC, MISA… Cùng với đó, triển khai ký kết thỏa thuận với các đơn vị để cung ứng dịch vụ thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, rửa tiền.
“Phủ sóng” chuyển đổi số
Là ngân hàng chủ lực trong đầu tư hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ tài chính tín dụng cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, Agribank xác định mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động là phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm - dịch vụ ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, giữ vững vị trí là ngân hàng hàng đầu về cung cấp dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong chiến lược số hóa nông thôn, Agribank đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, “phá băng” rào cản giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Agribank lên kế hoạch triển khai lắp đặt theo lộ trình máy giao dịch ngân hàng tự động Agribank Digital tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm - dịch vụ tài chính thông thường để người dân có thể sử dụng tiện ích ngân hàng số cho các hoạt động dịch vụ công cũng như giao dịch thường nhật.
Tích hợp trong mỗi kios Agribank Digital là hàng loạt công nghệ hiện đại, tân tiến nhất hiện nay như định danh điện tử (eKYC); nhận diện sinh trắc học (khuôn mặt Face ID, nhận diện vân tay...) với khả năng an toàn và bảo mật cao. Mỗi máy Agribank Digital được trang bị đầy đủ các chức năng nghiệp vụ của một phòng giao dịch ngân hàng như định danh, đăng ký thông tin sinh trắc học khuôn mặt, vân tay; đăng ký mở tài khoản, phát hành thẻ trực tuyến; đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử; đăng ký vay vốn trực tuyến; các giao dịch tài chính bằng sinh trắc học. Với trải nghiệm Agribank Digital, mọi giao dịch được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh chóng, độ chính xác cao, đồng thời trao quyền cho khách hàng tự phục vụ các nhu cầu giao dịch của mình mà vẫn dễ sử dụng, phù hợp với khu vực nông thôn và miền núi.
Agribank cung cấp dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện, thị xã, thị trấn với các giao dịch thuộc lĩnh vực dịch vụ công (thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, học phí, viện phí…), thanh toán vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán nông sản đầu ra của khách hàng hộ sản xuất, cá nhân... Sản phẩm Thẻ Lộc Việt Agribank tích hợp 2 ứng dụng thẻ “ghi nợ” và “tín dụng” trên cùng một con chip với đầy đủ các tính năng của thẻ ghi nợ nội địa cũng như thẻ tín dụng nội địa hạng chuẩn giúp khách hàng tiện lợi hơn khi thanh toán, bảo mật cao nhờ công nghệ thẻ chip hiện đại. Nhờ những tính năng ưu việt, sản phẩm Thẻ Lộc Việt Agribank đã dành được “Giải thưởng Sao Khuê năm 2022”.
Song song với phát triển cung ứng sản phẩm - dịch vụ, Agribank chú trọng phát triển các kênh phân phối phù hợp với xu thế 4.0, phát triển kênh phân phối qua ATM và EDC/POS, kênh Mobile Banking, Internet Banking, kênh kết nối thanh toán với khách hàng (CMS), kênh ngân hàng lưu động, tổ liên kết, kênh phân phối với các ngân hàng đại lý, đồng thời chuẩn hóa các điểm giao dịch, kênh phân phối truyền thống; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận, sử dụng nguồn vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, Agribank có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty tài chính công nghệ (Fintech) như VNPay, Momo, BankPlus, Payoo… nhằm tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của Fintech.
Có thể thấy, các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như ngân hàng di động, đại lý ngân hàng, cùng với các sản phẩm - dịch vụ như ví điện tử, tiền di động… tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện.
Với những nỗ lực không ngừng trong hoạt động chuyển đổi số, Agribank được nhận bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 cùng nhiều giải thưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin được các tổ chức uy tín công nhận: Từ năm 2016 tới nay, 12 ứng dụng/hệ thống công nghệ thông tin của Agribank liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê cho hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc lĩnh vực tài chính - ngân hàng và ngân hàng số; tháng 4/2023, hệ thống quản lý mở tài khoản trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking (Agribank eKYC System) và ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ (Agribank Digital) của Agribank được vinh danh là 2 hệ thống công nghệ thông tin xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng số…
Tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư
Bên cạnh duy trì mô hình ngân hàng số, Agribank tiếp tục thử nghiệm và triển khai theo lộ trình ứng dụng căn cước công dân gắn chip vào hoạt động giao dịch. Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 1 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay.
Quá trình mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.
Agribank tăng cường phát triển các phần mềm, ứng dụng gắn với công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động theo hướng số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II.
Công nghệ xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngân hàng như cắt giảm thủ tục và thao tác thủ công, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay) thu thập được sẽ giúp Agribank nhận diện và phân loại khách hàng để phục vụ được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Việc đưa ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong hoạt động ngân hàng khẳng định sự quyết tâm của ngành nói chung và Agribank nói riêng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Triển khai kế hoạch hành động chuyển đổi số với mục tiêu cụ thể, có lộ trình rõ ràng, Agribank đã và đang tiếp tục từng bước nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động, góp phần cùng hệ thống ngân hàng Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.