Các khoản ngân quỹ sẽ cung cấp cho các thành viên đang phát triển của ADB để hỗ trợ đánh giá hệ thống y tế liên quan đến vắc-xin và xây dựng các kế hoạch sẵn sàng cho quốc gia nhằm tăng cường năng lực tiếp cận, giới thiệu, triển khai, cung cấp và giám sát vắc-xin một cách an toàn và hiệu quả.
Các quỹ sẽ giúp các thành viên đánh giá và tăng cường chuỗi lạnh vắc-xin và hậu cần, kiểm soát lây nhiễm, cung ứng và kỹ năng của nhân viên y tế, truyền thông rủi ro, thu thập và giám sát dữ liệu thời gian thực. Hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ hỗ trợ xác định và thúc đẩy các công nghệ theo dõi vắc-xin và chuỗi lạnh tiên tiến.
Ông Woochong Um, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu của ADB cho biết: “Châu Á và Thái Bình Dương phần lớn đã làm tốt việc hạn chế lây lan của COVID-19. Đảm bảo tiếp cận vắc-xin an toàn, hiệu quả và công bằng là chiến tuyến tiếp theo trong cuộc chiến chống lại loại vi-rút này.
Với các nguồn tài trợ bổ sung này, ADB có thể ngay lập tức hỗ trợ các thành viên đang phát triển của chúng tôi tiến hành các hành động khẩn cấp, bao gồm đánh giá hệ thống vắc-xin và chiến lược triển khai vắc-xin, nhằm đảm bảo vắc-xin được phân phối một cách hiệu quả và công bằng”.
ADB dự kiến sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới, cùng phối hợp với COVAX, Gavi, Ngân hàng Thế giới, các cơ quan song phương cũng như các đối tác khác.
Các khoản ngân quỹ này bao gồm 20 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ Kỹ thuật, đặc biệt của ADB (TASF) và 300.000 USD từ Quỹ Công nghệ Cấp cao do Chính phủ Nhật bản tài trợ.
Được biết, ADB đã phê duyệt một gói hỗ trợ mở rộng trị giá 20 tỷ USD vào tháng 4 để hỗ trợ các thành viên đang phát triển ứng phó với COVID-19.