Với lạm phát không cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản ứng giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 10/7, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25%.
Lãi suất cho vay ưu đãi cho các ngành được ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng giảm, từ 7,0% xuống 6,5%, để tạo điều kiện hồi phục cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2017 được ADB ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa nông nghiệp trở lại quỹ đạo tiến đến đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% cả năm mà chính phủ đề ra. Cung tiền rộng tăng 14,3% trong 6 tháng, cũng tương đương với mục tiêu của Chính phủ là tăng 16-18% cả năm.
Báo cáo cập nhật này đã giảm dự báo kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017, và 6,5% trong năm 2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây trong Báo cáo ADO 2017.
Về tình hình tài chính của Chính phủ, thâm hụt ngân sách đã giảm còn 0,9% GDP, thấp hơn so với 3,0% trong nửa đầu năm 2016. Thu ngân sách tăng 18,2% trong 6 tháng, đạt tương đương 27,4% GDP, trong đó thu phi thuế tăng 23% từ việc bán tài sản nhà nước bao gồm cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, tốc độ tăng chi tiêu chính phủ khiêm tốn hơn, chỉ có 9% trong 6 tháng đầu năm. Chi thường xuyên tăng 9,2% trong khi chi đầu tư tăng 11,2%.
Tuy nhiên, ông Aaron Batten cho rằng, việc kiểm soát chi chặt chẽ hơn chủ yếu tập trung vào chi xây dựng cơ bản. Các khoản chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, do tăng chi lương cơ bản cùng với y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản danh nghĩa ở mức ít thay đổi trong 5 năm qua. Kết quả, tỷ trọng chi xây dựng cơ bản trong tổng chi ngân sách giảm từ 30% trong năm 2011 xuống 16% trong nửa đầu năm 2017.
“Thay đổi cơ cấu chi ngân sách sẽ có khả năng giảm tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn, hạn chế việc thực hiện các mục tiêu phát triển”, ông Aaron Batten nói.
Dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng được ADB đánh giá tăng trưởng cao hơn, đạt 7,7% trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với mức 6,9% cùng kỳ năm trước. Nhưng, rủi ro tăng trưởng tín dụng là hiện hữu có thể gia tăng mạnh áp lực lên lạm phát.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Aaron Batten nhận định, tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu rất hạn chế.
Mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi VAMC và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu) ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Cần vạch ra ranh giới rõ ràng, mua mới nợ xấu cần được xác định dừng lại ở ngưỡng nào, ngoài ra có kế hạch rõ ràng xử lý nợ xấu ra sao, nếu không dừng lại, xu hướng nợ xấu sẽ không bao giờ dừng lại được.
- Ông Aaron Batten
Thông tin từ ADB cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, VAMC mới chỉ xử lý được gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tốc độ này nhanh hơn so với năm ngoài. Tuy nhiên, VAMC mua được thêm khoảng 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu, nghĩa là tổng số lượng nợ xấu cơ quan này nắm giữ đã tăng thêm 6 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
“Chính phủ đang nỗ lực làm sao giảm được con số nợ xấu và giải quyết những vấn đề căn bản, cốt lõi liên quan đến các khoản vay. Tuy nhiên, cần vạch ra ranh giới rõ ràng, mua mới nợ xấu cần được xác định dừng lại ở ngưỡng nào, ngoài ra có kế hạch rõ ràng xử lý nợ xấu ra sao, nếu không dừng lại, xu hướng nợ xấu sẽ không bao giờ dừng lại được”, ông Aaron Batten nhấn mạnh.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ có kế hoạch tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng, song trong 6 tháng đầu năm 2017 không có một trường hợp sát nhập hay mua lại ngân hàng nào được thực hiện.
Đánh giá về triển vọng 6 tháng cuối năm, ADB cho rằng tăng trưởng GDP có khả năng vẫn duy trì được khá tốt dù hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng.