Adayroi, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki đồng lòng nói không với hàng giả

Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn vừa tham gia lễ ký kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”.
Các Sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong Thương mại điện tử" Các Sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong Thương mại điện tử"

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa tổ chức Hội thảo, tập huấn "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử", Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử".

Tâm điểm của Hội thảo là Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” có sự tham gia của đại diện một số Sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn.

Theo đó, các Sàn thương mại điện tử trên sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin về số Hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các Sàn.

Các doanh nghiệp đại diện tham gia Lễ ký cam kết đã thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn thương mại điện tử lớn, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thậm chí Jack Ma (Nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba) đã nhận định: vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh,Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay thương mại điện tử trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của nhiều đối tượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Theo Tổng cục trưởng, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.

Hơn nữa, hàng hóa luân chuyển đến các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình chung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường.

Thống kê của Bộ Công thương, trong vòng 4 năm, từ 2014 đến 2018, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc xử lý 1.024.000, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỷ đồng.

Với dân số 97 triệu người, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh gia tăng, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Theo Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, hiện nay trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Doanh số thương mại điện tử  bán lẻ qua các năm phát triển nhanh và mạnh với mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, 2016 đạt 5,1 tỷ USD, năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD và dự kiến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục