Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử công khai vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty Piaggio Việt Nam và Công ty cổ phần Eco bike Việt Nam (trụ sở ở Hưng Yên). Ðây không phải là vụ kiện đầu tiên Piaggio theo đuổi. Từ năm 2015, Piaggio thông qua Công ty Piaggio Việt Nam đã khiếu nại Công ty Sản xuất xe máy điện DK về hành vi sản xuất xe điện có kiểu dáng giống mẫu xe Vespa của hãng này.
Việc khởi kiện là động thái bắt buộc khi tình trạng sao chép kiểu dáng công nghệ xe máy ngày càng lộ liễu và tinh vi.
Theo đơn kiện, năm 2012, Piaggio đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga tại Vĩnh Phúc. Piaggio đã đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng đối với nhiều nhãn hiệu, trong đó có dòng xe tay ga “P2”. Piaggio tố Eco bike Việt Nam có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghệ dòng xe máy trên về cả hình dáng, cách bố trí và tỷ lệ kích thước giữa các bộ phận.
Piaggio đã mô tả cụ thể những chi tiết bị sao chép như phần phía trước gồm cụm tay lái, đèn trước, yếm xe, chắn bùn trước và bánh trước và phần giữa gồm chỗ để chân cho người lái xe, người ngồi sau, ngăn để đồ phía trước, ổ khóa điện, đồng hồ hiển thị. Kiểu dáng xe máy do Eco bike Việt Nam sản xuất và phân phối ra thị trường không khác biệt với kiểu dáng xe được bảo hộ.
Chưa dừng lại, Eco bike Việt Nam còn gắn dấu hiệu “P và hình” là hình chữ nhật có chữ PX1 E trên xe máy kèm theo tem dán gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “P và hình” được bảo hộ theo đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam của Piaggio.
Theo Piaggio, hành vi trên làm tổn thất về tài sản, gây giảm sút về thu nhập và lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, uy tín và danh tiếng cho doanh nghiệp. Tính toán ban đầu, doanh nghiệp yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế là 500 triệu đồng (chưa kể chi phí mời luật sư).
Tuy nhiên, tòa án chỉ chấp nhận chi phí là tiền doanh nghiệp thuê luật sư là 200 triệu đồng và tiền mua xe mẫu, lập vi bằng và giám định sở hữu trí tuệ là 14,7 triệu đồng. Tổng cộng Eco bike Việt Nam phải thanh toán số tiền 214,7 triệu đồng, đồng thời hủy bỏ giấy chứng nhận chất lượng xe và tiêu hủy xe máy xâm phạm.
Thực tế, nhiều vụ kiện khác cơ quan pháp luật cũng chỉ chấp nhận chi phí thực tế doanh nghiệp bỏ ra, còn những thiệt hại khác không được xem xét đến. Chẳng hạn, vụ việc Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech có hành vi sao chép tương tự như Eco bike Việt Nam cũng chỉ phải bồi thường số tiền 217 triệu đồng.
Khi khởi kiện, doanh nghiệp sẽ có mục đích rất rõ ràng là mong muốn cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ như yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi trái pháp luật và được bồi thường những tổn thất, thiệt hại tương ứng mà họ phải gánh chịu.
Luật sư Lê Xuân Lộc, Giám đốc Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật TNHH T&G cho biết, thông qua việc khởi kiện, doanh nghiệp còn mong muốn bản án trở thành án lệ để những đối tượng khác biết sợ mà không thực hiện những hành vi tương tự. Tuy nhiên, cách tính bồi thường thiệt hại hiện nay còn rất nhiều bất cập.
Luật sư Lộc giải thích thêm, trong những vụ việc tranh chấp sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, doanh nghiệp có thể yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm cung cấp số liệu, chứng từ thể hiện việc kinh doanh bất hợp pháp. Thủ tục này buộc bên vi phạm phải thực hiện nếu không có bất lợi nhất định.
Tuy nhiên, quy định pháp luật ở Việt Nam chưa có thủ tục trên. Trong khi thiệt hại phải được tính toán trên số liệu cụ thể như lợi nhuận mà bên vi phạm thu được. Vậy nếu doanh nghiệp không được tiếp cận sổ sách kế toán của bên vi phạm thì làm sao họ đưa ra số liệu xác đáng để cơ quan pháp luật chấp thuận?
Luật sư Lê Xuân Lộc cũng kiến nghị, pháp luật phải có quy định rõ ràng hơn về áp dụng cách tính bồi thường thiệt hại cũng như xây dựng những phương thức để giúp thực hiện trên thực tế.