ABBANK: Thận trọng hơn nhưng cũng quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Đại hội Đồng Cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã bầu thêm thành viên mới vào Hội đồng Quản trị (HĐQT), đồng thời thống nhất các quyết sách quản trị thận trọng hơn cho nhiệm kỳ 2023-2027.
ABBANK: Thận trọng hơn nhưng cũng quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ mới

ĐTCK có bài trao đổi với ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT ABBANK xung quanh những nhận định về hiệu quả hoạt động của nhiệm kỳ cũ cũng như chiến lược phát triển của Ngân hàng trong bối cảnh kinh tế đang có nguy cơ rơi vào suy thoái như hiện nay.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua của ABBANK, ông có nhận xét gì?

Công bằng mà nói, nếu so sánh với nhiều ngân hàng bạn, ABBANK của 5 năm vừa qua chưa thực sự nổi bật về mặt tăng trưởng cả ở quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Nhưng nếu so sánh với chính mình, ABBANK đã có rất nhiều sự thay đổi mà tôi cho là có nhiều yếu tố tích cực.

Chúng tôi đã tạo được nền móng tốt cho mục tiêu phát triển dài hạn và đang thực sự đi trên con đường để đạt được các mục tiêu ấy. Với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau, ABBANK đã xác định được đâu là điểm hạn chế của bộ máy cần thay đổi và đâu là trọng tâm cần đầu tư phát triển. Cho đến giờ, cá nhân tôi cho rằng ABBANK có thể tự tin với những gì mình đang có.

Đâu là những điểm ông thấy được và chưa được nhất?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, về mặt quản trị, ABBANK đã có những bước tiến rất tốt như đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM, tăng vốn điều lệ lên 9.409 tỷ đồng để mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư cho những nền tảng, xây dựng lộ trình cụ thể cho mục tiêu chuyển đổi với tôn chỉ “Khách hàng là trọng tâm”, và triển khai hàng loạt dự án để thực thi mục tiêu này. Riêng về dự án số hóa dữ liệu thì ABBANK đã đầu tư và đi được khá xa cho đến thời điểm hiện tại.

Ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT ABBANK.
Ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT ABBANK.

Còn cái chưa được nhất, theo tôi có lẽ là sự tăng trưởng của ABBANK so với thị trường chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cổ đông. Ban Điều hành và Hội đồng Quản trị nhận thức rất rõ các cổ đông đòi hỏi sự tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn từ phía Ngân hàng.

Do đó, thời gian vừa qua ABBANK đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tìm một lối ra chắc chắn hơn, đáp ứng nhu cầu cổ đông tốt hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn nữa. Trong đó phương án mạnh mẽ nhất là tái cơ cấu bộ máy và bổ sung nguồn nhân sự có chất lượng, cải tổ phương pháp vận hành, và đầu tư hàng loạt dự án quan trọng nhắm vào mục tiêu chuyển đổi toàn bộ hệ thống.

Những thay đổi này thể hiện sự quyết tâm của tập thể ABBANK để vừa chuẩn bị nền tảng cho những mục tiêu phát triển dài hạn, vừa nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh một cách hiệu quả.

Trong nhiệm kỳ mới những ưu tiên của ông là gì?

ABBANK đã xây dựng những mục tiêu phát triển chiến lược của giai đoạn 2021-2025, và chúng tôi đang dồn toàn lực để hiện thực hóa những mục tiêu này. Trong đó, năm 2023 ABBANK sẽ tập trung vào 3 mảng công tác trọng yếu, bao gồm: Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, Hoàn tất chuyển đổi mô hình kinh doanh quản trị theo phân khúc khách hàng chuyên biệt, Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và thấm nhuần tinh thần văn hóa tổ chức cùng các chuẩn mực về giá trị cốt lõi của Ngân hàng.

Tất cả công tác đều phải phát triển dựa trên chiến lược lấy Khách hàng làm trọng tâm. Đặc biệt, trong công tác chuyển đổi số, với sự tư vấn của McKinsey và hỗ trợ kinh nghiệm của Maybank, ABBANK đang triển khai các sáng kiến, cải tiến hệ thống công nghệ nhằm phục vụ hiệu quả, nhanh chóng cho vận hành nội bộ. Dự án Omni – Channels được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá cho ABBANK trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính số cho khách hàng.

Song song, để hiện thực hoá tầm nhìn trở thành một Ngân hàng bán lẻ hiệu quả với giá trị vốn hóa tăng nhiều lần so với hiện tại, ABBANK cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về các nền tảng cốt lõi như tài chính; quản trị rủi ro tích cực, chủ động, đặc biệt là bảo đảm an toàn thanh khoản và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; thực hiện tốt công tác thu hồi và xử lý nợ xấu…

Chúng tôi cũng cần sự cam kết, đồng hành từ HĐQT và từ các Cổ đông, đồng thời cần có sự tích lũy từ lợi nhuận hàng năm trong vòng 3 - 5 năm tới để tăng vốn chủ sở hữu, cũng như phát hành cổ phiếu tăng vốn mới khi cần thiết để đạt qui mô mong muốn. Đích đến chính là việc đưa ABBANK trở thành một tổ chức thực sự tạo giá trị cho xã hội, mang lại sự Tiện lợi và An toàn cho Khách hàng, lợi ích cho cổ đông.

Năm 2023, ABBANK đặt kế hoạch phát triển mạnh lợi nhuận, cơ sở nào?

Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 68% năm 2023 trong khi thị trường có nguy cơ rơi vào suy thoái và nền tảng tăng trưởng năm 2022 ABBANK cũng thấp so với kế hoạch, rõ ràng là một thách thức lớn. Tuy nhiên, khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận như vậy, chúng tôi đã xác định rõ các mục tiêu cần đạt là nằm trong khả năng, năng lực thực tế. Tất nhiên, với điều kiện thị trường không có quá nhiều biến động lớn.

Toàn bộ hệ thống đã phân tích các nguyên nhân cốt lõi và linh hoạt điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để lấp đầy “gap” chỉ tiêu lợi nhuận. Theo đó, để đạt được mục tiêu lợi nhuận 2023, ABBANK tập trung vào giải quyết 3 mục tiêu chính.

Đầu tiên là tăng trưởng quy mô tối thiểu 10%, ưu tiên vào phân khúc bán lẻ và các lãnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.

Thứ hai là tăng hiệu quả hoạt động bằng cách: (1) gia tăng thu nhập từ hoạt động lõi, các hoạt động ngoài tín dụng, thu phí dịch vụ (hoạt động Thanh toán Quốc tế, dịch vụ bancasurance...), tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng, mục tiêu biến tài khoản thanh toán của khách hàng tại ABBANK thành tài khoản giao dịch chính để nâng cao tỷ lệ Casa; và (2) kiểm soát chặt chẽ và tối ưu chi phí hoạt động, giảm thiểu chi phí dự phòng rủi ro thông qua quản lý tốt danh mục khách hàng, nâng cao chất lượng nợ.

Cuộc đua Casa không đơn giản, ABBANK dựa trên yếu tố nào đạt tăng trưởng gần 20%?

Trải nghiệm của khách hàng sẽ là yếu tố quyết định để ABBANK thu hút CASA. Việc làm sâu sắc mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng thông qua các hoạt động am hiểu và khơi gợi nhu cầu tiềm ẩn của các phân khúc khách hàng mục tiêu là một chiến lược của ABBANK, giúp thu hút CASA từ khách hàng và hướng tới mục tiêu khách hàng sử dụng tài khoản ABBANK là tài khoản giao dịch chính.

Với mục tiêu thúc đẩy thu nhập ngoài lãi, ABBANK tập trung phát triển các dịch vụ có tính tiện dụng và cá nhân hóa cao nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thu hút mở mới tài khoản, cung cấp các dịch vụ về ngân hàng giao dịch, đẩy mạnh các giải pháp nhằm hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối liên thông, biến ABBANK trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng, qua đó không chỉ tăng thu nhập từ phí và đồng thời tăng cả nguồn CASA cho ngân hàng. Chỉ số thu nhập ngoài lãi/tổng doanh thu được kỳ vọng sẽ tăng 5,5% so với 2022, đạt 18,4% năm 2023, tiếp tục tăng lên 24,29% năm 2024 và chạm mốc 25,81% năm 2025.

Năm 2022, ứng dụng ngân hàng di động dành cho khách hàng Cá nhân – AB Ditizen đã giúp thu hút lượng lớn khách hàng mới (hơn 50.000 tài khoản đã được mở mới trên ứng dụng AB Ditizen), số lượng KHCN sử dụng Mobile banking năm 2022 tăng gấp 3 lần so với năm 2021 và số lượng hoạt động giao dịch trên các kênh Digital tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021. Đồng thời, hoạt động giao dịch của khách hàng SMEs sử dụng kênh kỹ thuật số cũng tăng gấp 1,5 lần. Năm 2022, ABBANK đạt doanh số hơn 230 tỷ đồng từ kênh AB Ditizen.

ABBANK lâu nay là ngân hàng ưu tiên cho phát triển bền vững, định lý này được nhất quán trong giai đoạn tới ra sao? Ngân hàng nắm bắt cơ hội như thế nào nếu thị trường thuận lợi, những kịch bản để phòng ngừa rủi ro?

Trong tương lai, ABBANK tiếp tục lấy “phát triển bền vững” làm kim chỉ nam cho quá trình hoàn thiện mô hình ngân hàng bán lẻ thân thiện và hiệu quả. Kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021-2025 tập trung xây dựng các giải pháp toàn diện trên cơ sở khắc phục các vướng mắc, tồn tại hiện nay, kế thừa và phát huy thế mạnh của Ngân hàng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo mục tiêu chiến lược phát triển của ABBANK đã được điều chỉnh.

HĐQT ABBANK cũng xác định trọng tâm hướng vào nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng, ưu tiên về chất lượng tăng trưởng để bảo đảm ổn định, an toàn và phát triển bền vững.

Về mặt phòng ngừa rủi ro, ABBANK tập trung vào việc quản trị rủi ro chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả. Chúng tôi liên tục kiểm soát, điều hành bảng cân đối, chủ động điều chỉnh cơ cấu bảng cân đối hướng tới mục tiêu an toàn và hiệu quả với tỷ trọng chi phối là những tài sản ngắn hạn, an toàn. Đồng thời xác định RAROC (Risk -Adjusted Return on Capital – Lợi nhuận trên vốn có điều chỉnh rủi ro) của từng danh mục, từng sản phẩm để phân bổ vốn vào những tài sản an toàn nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất.

ABBANK cũng đang xây dựng rất nhiều công cụ để kiểm soát chi phí rủi ro trong từng danh mục với các mô hình định lượng rủi ro, mô hình cảnh bảo sớm, mô hình hành vi, qua đó chủ động sàng lọc ngành nghề, lĩnh vực,khách hàng mới cũng như chủ động, kịp thời đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa rủi ro của danh mục hiện hữu. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng các kịch bản và diễn tập stress test để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, chủ động kiểm soát tối đa rủi ro.

Như chúng ta đã thấy, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Thụy Sĩ hay các nước Châu Âu, đều là các đế chế tài chính lớn nhưng hệ thống của họ vẫn gặp những rủi ro lớn. Nên với một thị trường tài chính non trẻ như Việt Nam, việc rủi ro là rất khó tránh. Thời gian tới vẫn sẽ rất khó khăn và chúng ta chỉ có thể chuẩn bị hết các phương án để quản trị tốt nhất có thể.

Phong Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục