Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chốt phương án, sẽ trình Quốc hội quyết định.
Chỉ 3 ngày sau khi kế hoạch này có mặt trong Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, mọi việc đã được đặt lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cũng chỉ trong một buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, nhất trí trình Quốc hội theo trình tự rút gọn, kịp thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9.
Nếu theo tốc độ này, doanh nghiệp cũng sẽ sớm nhận tin về các khoản hỗ trợ về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, việc được phép áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vào ngày mà luật được thông qua, thay vì chờ đến ngày có hiệu lực…
Giá như mọi cơ chế, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đều được thực hiện với tốc độ nhanh như vậy.
Cũng phải thẳng thắn, những giải pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa được đề cập tại Nghị quyết 84/NQ-CP đều đang ở bước sẽ được thực hiện, vì có thể sẽ cần có thêm các văn bản hướng dẫn.
Thậm chí, có những cơ chế, giải pháp đang nằm trong các đề xuất, nghiên cứu của các bộ, ngành, như đề xuất miễn, giảm các loại phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh Covid-19; xem xét gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền giảm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng và đã nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng bị ấn định trước ngày 01/3/2020, nhưng còn nợ tiền chậm nộp…
Cũng có những chỉ đạo chưa rõ thực thi thế nào như khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển đất nước…
Nhiều doanh nghiệp gọi đây là nhóm cơ chế, chính sách hy vọng sẽ được nhận thêm.
Nhìn lại, có thể thấy những giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra khá sớm. Đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19. Đầu tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 và Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Mới đây nhất là Nghị quyết 84/NQ-CP.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn, phần lớn nội dung của Chỉ thị 11/CT-TTg đã được chuyển sang Nghị quyết 84/2020/NQ-CP. Các văn bản hướng dẫn thực thi mới có 1 nghị định (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); 2 thông tư (1 của Ngân hàng Nhà nước và 1 của Bộ Tài chính), còn lại là các công văn đốc thúc.
Trong khi đó, việc tiếp cận được các giải pháp, mức độ hỗ trợ dường như vẫn xa và chậm so với những tác động tiêu cực mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Nhiều bộ, ngành được cho là phản ứng chậm, thậm chí sức ỳ lớn khi gần như không xem xét kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến những lợi ích được dư luận cho là cục bộ, như đề xuất thí điểm mobile money, kiến nghị bãi bỏ yêu cầu phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu…
Tất nhiên, không thể đòi hỏi mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được hỗ trợ, song điều các doanh nghiệp luôn cần, đó là tốc độ thực hiện, điều kiện hỗ trợ thực tế để các đối tượng được xem xét đều được tiếp cận một cách thuận lợi nhất, nhanh nhất.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với những biến động khó lường, doanh nghiệp chỉ có thể thích ứng, chuyển đổi nhanh khi tốc độ phản ứng chính sách của các bộ, ngành theo kịp tình thế.