70% gian lận bảo hiểm từ nội bộ!

(ĐTCK) Đó là kết quả khảo sát của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), được ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Kế toán pháp lý và dịch vụ bảo hiểm của EY Vietnam công bố tại buổi đào tạo quản trị rủi ro gian lận trong các doanh nghiệp bảo hiểm do công ty này phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đào tạo bảo hiểm (IRT), Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tuần trước.
Theo EY Việt Nam, cần có cơ chế thưởng và bảo vệ người tố cáo gian lận bảo hiểm

DN bảo hiểm cũng giật mình

Theo ông Saman, lâu nay, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn cho rằng, gian lận bảo hiểm chủ yếu xuất phát từ bên ngoài, còn nguyên nhân nội bộ chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

“Bên ngoài” ở đây được hiểu là gồm những người mua bảo hiểm đến các đại lý bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (như chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn, cơ quan công an, cơ quan giám định, trường học, bệnh viện, gara sửa chữa, hiệu thuốc).

Các đối tượng này cấu kết với nhau để cung cấp các hồ sơ, tài liệu được “hợp lý hóa” để đòi  bồi thường bảo hiểm, thậm chí có sự thông đồng trong ăn chia trong số tiền trục lợi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lại cho thấy một thực tế ngược lại.

Con số 70% gian lận xuất phát từ nội bộ, tức những gian lận bảo hiểm chủ yếu liên quan đến cán bộ, nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm, mà đại diện EY Việt Nam công bố đã khiến không ít doanh nghiệp trong ngành phải giật mình. Bởi thực tế, gian lận để trục lợi bảo hiểm trong những năm qua diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp và với quy mô ngày càng lớn. 

Tự cấu vào tay mình

Chia sẻ với ĐTCK, một số lãnh đạo phụ trách công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận, việc gian lận bảo hiểm của cán bộ, nhân viên bảo hiểm chẳng khác nào việc tự cấu vào tay mình. Số tiền thu được từ việc bán sản phẩm bảo hiểm đi vào doanh nghiệp bảo hiểm rồi lại đi ra qua đường bồi thường bảo hiểm một cách gian dối.

Việc tự hại mình của các doanh nghiệp bảo hiểm, theo đại diện EY Việt Nam, xuất phát một phần từ việc doanh nghiệp quá coi trọng chỉ tiêu doanh thu, dẫn đến tình trạng chạy theo doanh thu bằng mọi giá, mà lơ là hiệu quả hoạt động cũng như quản trị rủi ro, từ đó, tạo cơ hội cho nhân viên trong Công ty gian lận để có tiền phục vụ cho những nhu cầu ngoài khả năng của mình.

“Lấy ví dụ, tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm chịu áp lực 1.000 tỷ đồng doanh thu sẽ phải đẩy áp lực đó xuống cấp dưới. Áp lực đó cộng với động cơ cần tiền để đổi xe sang, nhà đẹp, chi tiêu… sẽ dẫn đến nguy cơ nhân viên gian lận để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu”, ông Saman nói. 

Cần cơ chế thưởng cho người phát hiện gian lận bảo hiểm

Hệ lụy tất yếu là doanh nghiệp bảo hiểm phải chi ra một số tiền không nhỏ do gian lận bảo hiểm do chính nội bộ gây ra. Dưới góc nhìn của ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trục lợi bảo hiểm chính là hành vi ăn cắp một cách công khai tiền bảo hiểm, có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ, thậm chí phải ngừng triển khai bán sản phẩm bảo hiểm đó.

Theo ông Lộc, nhiều vụ trục lợi bảo hiểm không được báo cáo, do sự phức tạp của vụ trục lợi cũng như sự thiếu các kiểm soát trục lợi bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, nên nếu phối hợp ngăn ngừa, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiết kiệm một khoản chi phí lớn.

Để ngăn chặn gian lận từ trong nội bộ, ông Saman cho rằng, ngoài một số biện pháp cơ bản như thiết lập hệ thống công nghệ giám sát, hướng tới xây dựng cảnh báo sớm rủi ro, thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần ban hành một cơ chế thưởng cho những ai phát hiện ra gian lận bảo hiểm và cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo gian lận bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục