61% khách hàng tại Việt Nam chọn thanh toán di động trong các cửa hàng

(ĐTCK) Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho các mục đích khác ngoài mua sắm. 
61% khách hàng tại Việt Nam chọn thanh toán di động trong các cửa hàng

Điển hình là cách tiêu thụ các nội dung giải trí và truyền thông đang có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ. 38% người tiêu dùng trên toàn cầu đang tải các nội dung giải trí trực tuyến ít nhất một lần mỗi ngày và trong số những người tiêu dùng thuộc thế hệ Z, giải trí trực tuyến chiếm hơn 50%.

Đây là một số phát hiện vừa được công bố trong Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu (Global Consumer Insights Survey) của PwC - một nghiên cứu về hành vi, thói quen và kỳ vọng của hơn 21.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 27 quốc gia và lãnh thổ.

Nghiên cứu của PwC cho thấy hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong một loạt các lĩnh vực khác ngoài giải trí và truyền thông.

Đối với tin tức, 25% người tiêu dùng hiện nay tìm đến mạng xã hội để tìm hiểu các sự kiện thời sự. 61% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội khi quyết định mua hàng. Họ lấy cảm hứng từ mạng xã hội hoặc tham khảo các đánh giá tích cực trên đó.

Tuy nhiên, ít hơn 20% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua một sản phẩm nào đó do tác động của người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Hai phần ba người tiêu dùng hiện nay sẵn sàng tiếp cận các dịch vụ y tế phi truyền thống trên mạng internet. Gần 75% người tiêu dùng có cài đặt các ứng dụng liên quan đến sức khỏe, trong đó các ứng dụng tập thể dục và theo dõi sức khỏe là phổ biến nhất. Hơn một nửa (51%) người tiêu dùng được khảo sát đã sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán hóa đơn trực tuyến, và tỷ lệ số người chuyển tiền trực tuyến cũng là khoảng một nửa.

Lần đầu tiên sau 10 năm PwC thực hiện khảo sát này, người tiêu dùng cho biết họ sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn là các thiết bị di động khác để mua sắm trực tuyến. Cụ thể, 24% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến hàng tuần.

Ở các nền kinh tế mới nổi, thanh toán di động trong các cửa hàng đang tăng lên, trong đó Việt Nam chứng kiến mức tăng lớn nhất (61%) trong một năm qua, tiếp theo là Trung Đông (45%). Trên toàn cầu, mức tăng tổng thể là 24% trong năm qua. Nhìn chung, thói quen này có khả năng phổ biến nhanh hơn tại các nước châu Á so với các nước phương Tây.

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục