Thanh toán đang được thị trường nhìn nhận là lĩnh vực chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất trước tác động của công nghệ số. NAPAS có bình luận gì về câu chuyện này?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hay còn gọi là cách mạng công nghệ số đã mang tới những thay đổi tuyệt vời cho nền kinh tế của các quốc gia. Nó tác động tới mọi mặt của cuộc sống, nhất là lĩnh vực thanh toán.
Ông Nguyễn Hoàng Long.
Nếu như trước đây, để giao dịch với ngân hàng, khách hàng phải đến phòng giao dịch, lấy số và chờ đợi thực hiện giao dịch thì nay đã có sự chuyển dịch rất lớn nhờ sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và Internet.
Theo đó, khách hàng có thể ngồi ở nhà hay tại văn phòng để thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến 24/7 theo thời gian thực, chỉ cần có một thiết bị di động hoặc máy tính trong tay.
Có thể nói, công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các ngân hàng, các công ty tài chính, công ty FinTech có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn; giúp người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Trong những năm gần đây, thị trường thanh toán Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, bắt kịp với xu hướng thanh toán của thế giới.
Bên cạnh hình thức thanh toán thẻ truyền thống, thị trường Việt Nam cũng đang xuất hiện, nở rộ các hình thức thanh toán mới như thanh toán qua ứng dụng di động (mobile payment), thanh toán bằng mã QR Code..., đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, gia tăng các giá trị về mặt cảm xúc và trải nghiệm người dùng.
Với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, NAPAS đánh giá xu hướng này trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Xu hướng thanh toán áp dụng công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển nhanh và có tác động mạnh mẽ trong thời gian tới, làm thay đổi căn bản hạ tầng thanh toán với các công nghệ mới như QRC, NFC, biometric, AI, blockchain…
Thị trường thanh toán Việt Nam luôn được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho phát triển thanh toán ứng dụng công nghệ số. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh.
Về phía người dùng, người dân Việt Nam đang đón nhận công nghệ thanh toán di động rất tích cực. Với tỷ lệ sử dụng thiết bị di động chiếm gần 70% tổng dân số, và hơn 50% dân số sử dụng Internet, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trực tuyến trên thiết bị di động đang gia tăng nhanh chóng.
Về công tác phát triển sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng và doanh nghiệp, hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay đều không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các công ty FinTech trong lĩnh vực công nghệ tài chính ngân hàng giúp cho việc tiếp cận dịch vụ thanh toán trên di động trở nên gần gũi và thuận tiện hơn.
Từ phía cơ quan quản lý, vào đầu tháng 10/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 2 quyết định là Quyết định số 1927/QĐ-NHNN quy định về tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa (VCCS) và Quyết định số 1928/QĐ-NHNN quy định về tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”.
Theo đó, thị trường tới đây sẽ tuân theo một tiêu chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng, dữ liệu.
Với những thuận lợi về người dùng, khả năng tiếp nhận công nghệ mới, sự chỉ đạo của cơ quan quản lý, hành lang pháp lý, hệ sinh thái cho thanh toán di động đang từng bước được hoàn thiện, góp phần gia tăng cơ hội phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Để cải thiện hạ tầng thanh toán, cũng như giúp cho hoạt động thanh toán của Việt Nam trở nên hiện đại, hỗ trợ tốt hơn cho mục tiêu giảm thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, NAPAS có những kế hoạch như thế nào?
Như chúng tôi đã chia sẻ, NAPAS hiện đang ưu tiên nguồn lực triển khai các dự án hoàn thiện hạ tầng thanh toán quốc gia, phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử đa tiện ích, tạo thêm nhiều sự tiện lợi và tăng cường an ninh bảo mật cho các giao dịch thanh toán điện tử của khách hàng.
Đối với dự án xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (VCCS), có thể nói lần đầu tiên ngành ngân hàng có một bộ tiêu chuẩn chung thống nhất về sản phẩm thẻ thanh toán, giúp các ngân hàng, hãng sản xuất thẻ và thiết bị chấp nhận dễ dàng triển khai, giúp cho khách hàng có trải nghiệm thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán của toàn bộ các ngân hàng.
Hiện tại, NAPAS đang phối hợp với 6 ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa VCCS và dự kiến chính thức công bố phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào cuối năm 2018.
Việc thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ được các ngân hàng thực hiện theo lộ trình kể từ 1/1/2019. Bên cạnh tính năng bảo mật, an toàn cao, giúp phòng chống rủi ro giả mạo thẻ đang ngày càng có xu hướng gia tăng tại Việt Nam; thẻ VCCS còn hỗ trợ các giao dịch không tiếp xúc (contactless) giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch, là nền tảng để triển khai thanh toán trên di động (sử dụng giao tiếp NFC) và phát triển các ứng dụng thanh toán trong giao thông.
Đối với dự án xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ từ động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ ACH (Automated Clearing House), đây là một trong các cấu phần quan trọng của hệ thống thanh toán quốc gia được NAPAS phát triển trên nền tảng hạ tầng chuyển tiền và bù trừ điện tử.
Hệ thống chuyển tiền điện tử của NAPAS hiện xử lý trung bình khoảng 320.000 giao dịch với tổng giá trị thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng/ngày.
Khi chính thức vận hành, hệ thống ACH sẽ triển khai đa dạng các dịch vụ thanh toán, hỗ trợ khách hàng của ngân hàng thực hiện chuyển tiền/nhận tiền qua thông tin định danh khác ngoài số thẻ/số tài khoản như số điện thoại/email/số chứng minh thư… một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Hệ thống ACH sẽ thực hiện bù trừ khối lượng lớn các giao dịch bán lẻ theo lô, thời gian thực, hỗ trợ đa kênh, đa phương tiện, đa tiền tệ, thời gian giao dịch 24/7 và mở rộng cung cấp tới mọi thành phần kinh tế gồm các ngân hàng (dịch vụ ghi nợ, thanh toán hóa đơn); công ty trung gian thanh toán (dịch vụ nạp, rút tiền vào tài khoản ví điện tử), công ty tài chính (dịch vụ giải ngân, thu nợ), đơn vị hành chính sự nghiệp (thu thuế, phí dịch vụ công)...
Đối với việc xây dựng hạ tầng số hóa các phương tiện thanh toán, dựa trên quy định về tiêu chuẩn cơ sở về QR Code do NHNN ban hành, NAPAS đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ và hệ thống chuyển mạch các giao dịch thanh toán bằng QR Code (QR Switch) để triển khai kết nối liên thông thanh toán QR với các ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán (TGTT).
Trên thị trường hiện tại đã có nhiều ngân hàng, TGTT triển khai dịch vụ thanh toán QR.
Tuy nhiên, chủ yếu việc thanh toán QR chỉ được thực hiện trong 1 mạng đóng (closed loop) hay trong nội bộ một mạng lưới chấp nhận thanh toán, ví dụ ứng dụng thanh toán QR của MOMO sẽ chỉ thanh toán được tại các điểm chấp nhận thanh toán của MOMO và không thể thanh toán trên mạng lưới chấp nhận của 1 đơn vị khác.
Việc tổ chức xử lý chuyển mạch QR Switch của NAPAS sẽ cho phép các ứng dụng thanh toán QR của các ngân hàng và trung gian thanh toán có thể thanh toán rộng khắp trên tất cả các điểm chấp nhận thanh toán, góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai cũng như mức độ bao phủ của phương thức thanh toán di động tại Việt Nam.
Hiện dịch vụ đang được triển khai thử nghiệm với một số ngân hàng và TGTT, và sẽ bắt đầu hoạt động chính thức vào đầu năm 2019. Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán số hóa (tokenization, digital payment, block chain...) trên thị trường, góp phần hoàn thiện hạ tầng thanh toán số hóa quốc gia.
Vào ngày 30/9/2018, NAPAS đã nhận được chứng chỉ tiêu chuẩn bảo mật quốc tế PCI DSS 3.2.1 (Payment Card Industry Data Security Standard) – đây là phiên bản mới nhất với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn so với phiên bản cũ, đặc biệt bổ sung chi tiết các yêu cầu về xác thực đa nhân tố, chuẩn an toàn trong mã hóa dữ liệu và yêu cầu chính sách duy trì tuân thủ được xuyên suốt và rà soát định kỳ.
Việc đạt được chứng chỉ PCI DSS 3.2.1 khẳng định việc đáp ứng của hệ thống NAPAS với các yêu cầu về an ninh bảo mật các dữ liệu thẻ trong quá trình xử lý, lưu trữ theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật của các tổ chức thẻ quốc tế; đảm bảo an toàn, bảo mật của hạ tầng thanh toán quốc gia.
Bên cạnh đó, NAPAS cũng đang phối hợp với các ngân hàng thành viên, đối tác triển khai các hoạt động marketing, truyền thông giúp tăng nhận biết của người tiêu dùng về các tiện ích khi thanh toán qua thẻ nội địa, nỗ lực thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.