6 tháng cuối năm, Chính phủ duy trì mục tiêu "kép"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chương trình họp Quốc hội sáng ngày 22/7/2021 sẽ dành thời gian để nghe  báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.
6 tháng cuối năm, Chính phủ duy trì mục tiêu "kép"

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cơ hội, thuận lợi cũng lớn nhưng khó khăn, thử thách nhiều hơn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuối tháng 4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; chiến lược tiêm chủng vaccine được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Các cơ quan, cả trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Lạm phát ở mức thấp; chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,69%, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 316 tỷ đô la, trong đó xuất khẩu ước đạt 157,63 tỷ đô la, tăng 28,4%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Bộ máy của Chính phủ mới với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục xây dựng Chính phủ tinh gọn, hành động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo; đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, báo cáo cho rằng, để hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội quyết định tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - ngân sách nhà nước theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi; thực hiện tốt công tác quản lý thu; tiếp tục thực hiện miễn, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả kế hoạch năm 2020 chuyển sang), tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa sự sự cần thiết, chậm triển khai...); tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường trong điều kiện dịch bệnh.

Đồng thời, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, kiểm tra chuyên ngành, quản lý hóa đơn điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Theo lịch làm việc, sau khi thảo luận, xem xét và cho ý kiến về Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong đó, lần này, Quốc hội sẽ xem xét thảo luận 23 mục tiêu chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được nêu trong Báo cáo, gồm 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội, 06 chỉ tiêu về môi trường.

Trong đó, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến thảo luận về 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục