Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm: Quan trọng cách thức thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quan điểm và hệ thống chỉ tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới đã được cụ thể hóa trên cơ sở nghị quyết của Đại hội và được Trung ương đã cho ý kiến. Do đó, vấn đề cần được Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm, đồng thời tập trung bàn sâu về vấn đề giải pháp để tổ chức thực hiện.
Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm: Quan trọng cách thức thực hiện

Đây là nội dung dự kiến được thảo luận chính trong phiên họp Quốc hội sáng nay ngày 22/7/2021.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến đối về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

Theo đó, báo cáo đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, giai đoạn 2016-2020, đất nước ta ngày càng lớn mạnh, với một nền kinh tế có độ mở rất lớn và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nếu như năm 2020 không có đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới thì sự phát triển của đất nước rất là trọn vẹn. Qua các năm, hầu như tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2020 chỉ đạt 2,91%, nhưng cũng là tăng trưởng dương so với các nước ở khu vực châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, nước ta đang gặp không ít khó khăn và bất cập.

Trong đó, nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng nhưng chưa đảm bảo sự bền vững. Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, 5 năm qua, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.

Cũng cần được nhấn mạnh thêm là thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần, cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong đầu tư chưa được phát huy Tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề, ảnh hưởng rất lớn tới phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 còn đánh giá chưa hết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và người dân. Một số chính sách như cải cách tiền lương chưa được thực hiện đúng lộ trình vì hụt thu do tác động của đại dịch Covid-19. Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao (như Hà Nội đạt tới 93%).

Cần đưa ra những kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm, giai đoạn để có cơ sở cho cả 5 năm

Cần đưa ra những kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm, giai đoạn để có cơ sở cho cả 5 năm

Về đầu tư công, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận về cơ bản trong 5 năm vừa qua chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, số lượng dự án giảm hơn một nửa, hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi và kết hợp với công tác điều hành, năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 97 - 98%.

Do đó, theo ý kiến thảo luận, các đại biểu cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, cần đánh giá sâu hơn những điểm yếu ảnh hưởng đến nền tài chính, quy mô trong thu-chi giai đoạn vừa qua, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó, xác định rõ sức mạnh của nền kinh tế, làm rõ thực trạng về tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, làm cơ sở định hướng tài chính cho những năm tiếp theo.

Đặc biệt, cần đưa ra những kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm, giai đoạn để có cơ sở cho cả 5 năm. Theo đánh giá, mặc dù các báo cáo đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về bức tranh của nền kinh tế cũng như đề xuất các giải pháp rất là khả thi, tuy nhiên, cần có những phương hướng, nhiệm vụ cụ thểđịnh ra trong 5 năm tới sẽ làm gì? Đồng thời đề nghị quan tâm đến một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Chẳng hạn, làm rõ hơn hướng đi của việc xây dựng hạ tầng chiến lược trong 5 năm tới về các nội dung như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cần có trọng tâm của các loại hạ tầng này như thế nào, làm cơ sở xây dựng cơ chế cho từng loại hạ tầng. Bên cạnh đó, là làm rõ hơn về vùng động lực và cực tăng trưởng để thực sự đi vào thực tiễn và tạo được sự lan tỏa trong thời gian tới, cùng cơ chế, chính sách cho vùng động lực và cực tăng trưởng.

Trong Báo cáo của Chính phủ đề cấp đến "cá thể hóa trách nhiệm" và cho rằng đây là một chế định hay, thể hiện việc chúng ta có những bước cụ thể hơn về khâu tổ chức thực hiện, song ý kiến thảo luận cho rằng cần phải được cụ thể bằng những quy định để thể hiện cá thể hóa trách nhiệm này, quy định trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương như thế nào, trong đó có chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh, nhưng phân cấp, phân quyền phải đi liền với hậu kiểm.

23 mục tiêu chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được nêu trong Báo cáo, gồm 08 chỉ tiêu về kinh tế, 09 chỉ tiêu về xã hội, 06 chỉ tiêu về môi trường, bao gồm:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%; Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến thảo luận về 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục