Cách đây 2 năm, với khoản tiền dưới 15 triệu đồng, người dùng chỉ có một, hai lựa chọn TV 4K màn hình tầm 40 inch, thuộc dòng sản phẩm phổ thông với ít tính năng và ngoại hình cũng không được chăm chút nhiều. Nhưng đến năm nay, có khá nhiều mẫu Ultra HD cỡ 48-50 inch trong tầm tiền này tích hợp cả kết nối Internet, hệ điều hành thông minh và công nghệ hình ảnh đẹp.
Dưới đây là 5 mẫu TV 4K màn hình rộng, giá bán từ 12 đến 14 triệu đồng.
Panasonic TH-50CX400V (50 inch - 12 triệu đồng)
TV của Panasonic sở hữu tấm nền 50 inch độ phân giải Ultra HD. Với công nghệ Adaptive Backlight Dimming, màn hình cho độ tương phản cao với màu đen khá sâu. Điểm cộng trên 50CX400V còn là tần số quét BMR 100 Hz giúp thể hiện mượt mà các hình ảnh chuyển động.
Màn hình của nhà sản xuất Nhật Bản khá đa dạng về cổng kết nối với 3 đường HDMI, 3 cổng USD, tín hiệu VGA, Optical và cổng AV và tích hợp cả đầu thu kỹ thuật số DVB-T2.
Là mẫu TV 4K phổ thông đời 2015 của Panasonic, thiết bị chỉ đáp ứng nhu cầu xem cơ bản bởi không có các tính năng thông minh, không có kết nối Internet. 50CX400V từng được bán giá trên 15 triệu đồng nhưng hiện một số nơi hạ giá còn tầm 12 triệu đồng để chào loạt sản phẩm đời mới.
LG 49UH600T (49 inch - 14 triệu đồng)
LG gần đây liên tục tung ra các mẫu màn hình Ultra HD với giá bán cạnh tranh. Model 49UH600T của nhà sản xuất Hàn Quốc có kích cỡ 49 inch, độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel, sử dụng tấm nền IPS với tần số quét 100 Hz.
LG còn đưa một số công nghệ vốn chỉ có trên các TV 4K cao cấp lên sản phẩm phổ thông của mình như dải tương phản động mở rộng HDR Pro, 3D Color Mapping giúp giảm biến dạng màu. Bên cạnh đó, 49UH600T có tính năng tiết kiệm điện bằng cách điều chỉnh độ sáng đèn nền.
Cách đây một năm, LG đã có TV 4K với giá tầm 14 triệu đồng nhưng không hỗ trợ tính năng thông minh. Đến sản phẩm 2016, model 49UH600T được cài sẵn hệ điều hành webOS 2.0, cho phép kết nối mạng Internet qua cổng Lan hay Wi-Fi.
Samsung 48JU6000 (48 inch - 14 triệu đồng)
Cạnh tranh với sản phẩm của LG, Samsung có mẫu JU6000 với màn hình 4K rộng 48 inch, tần số quét CMR 100 Hz, nhưng là đời 2015. TV sở hữu thiết kế vuông vức, chân đế chữ V đơn giản.
Ngoài độ phân giải 4K, TV của Samsung được bổ sung các công nghệ hình ảnh Ultra HD như nâng cấp nội dung UHD Upscaling, UHD Dimming. JU6000 có 3 cổng HDMI, 2 cổng USB, không hỗ trợ VGA. Giống các TV màn hình lớn khác, thiết bị tích hợp đầu thu kỹ thuật số DVB-T2.
Tính năng thông minh trên sản phẩm của nhà sản xuất Hàn Quốc được hỗ trợ bởi hệ điều hành Tizen OS. TV có cổng Lan và kết nối Wi-Fi để truy cập Internet.
Sharp 50UA330X (50 inch - 13 triệu đồng)
50UA330X có thiết kế đơn giản và viền màn hình khá mỏng, đi cùng chân đế bán nguyệt cách điệu. Sản phẩm của nhà sản xuất Nhật Bản được trang bị tấm nền 4K rộng 50 inch, công nghệ nâng cấp hình ảnh 4K Master Engine Pro.
So với một vài model của đối thủ, TV Sharp có ít cổng kết nối khi chỉ bao gồm 2 đường HDMI và một cổng USB, không có VGA. 50UA330X cũng không được tích hợp hệ điều hành thông minh, không có kết nối Internet.
TCL L50C1-UF (50 inch - 14 triệu đồng)
Được giới thiệu tại Việt Nam đầu năm 2016, TV TCL C1 gây chú ý khi có độ mỏng chỉ 9 mm, sở hữu nhiều công nghệ hình ảnh mới. Model L50C1-UF với không gian hiển thị 50 inch, độ phân giải Ultra HD, được tăng cường bằng công nghệ Quantum dot (chấm lượng tử) cho màu sắc rực rỡ, màu đen sâu.
Nhà sản xuất Trung Quốc còn dùng vật liệu kim loại để làm mặt sau TV, giúp sản phẩm trông cao cấp, đồng thời tản nhiệt tốt hơn với thiết kế siêu mỏng. Điểm cộng cho TV của TCL còn là hệ điều hành Android, thông qua bộ xử lý bốn nhân, RAM 1,6 GB và 8 GB lưu trữ. Nhờ vậy, người dùng có thể truy cập vào kho nội dung phong phú trên Play Store, kết nối Internet với mạng Lan hay Wi-Fi.
Cùng giá bán với màn hình của Samsung, LG hay Sharp, TV TCL nổi bật hơn ở cả thiết kế cũng như thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn là điều khiến không ít người dùng trong nước cân nhắc khi lựa chọn L50C1-UF.